STRESSBệnh Thường Gặp Khoa Học Tâm Lý 

STRESS, STRESS BỆNH LÝ, STRESS TÂM LÝ

Stress ngày nay được biết đến như một vấn đề nan giải của xã hội hiện đại. Tuy nhiên rất nhiều người vẫn chưa hiểu được tác hại mà stress tâm lý cũng như bệnh lý gây ra…

  1. Stress là gì?

– Theo từ điển Anh – Việt, Stress được hiểu là sức căng, sức ép, tình trạng căng thẳng hay sự cố gắng quá mức.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu chưa thấy hài lòng với nghĩa tương thích trong tiếng Việt này, nên ngày nay, Stress được định nghĩa:

– Stress là sự kích động mạnh tới con người, gây nên những phản ứng sinh lý và tâm lý.

Theo định nghĩa trên, stress gồm 2 phần:

+ Tình huống (hay các kích thích) gây nên stress.

+ Phản ứng của cơ thể trước các tác nhân gây stress.

  1. Tác động của stress

Các trạng thái Stress có thể dẫn tới các tác động khác nhau:

Tác động tích cực: Stress có thể khơi dậy và làm bộc lộ những khả năng tiềm ẩn của con người. Stress thúc đẩy con người hoạt động hăng hái, sáng tạo và làm cho xã hội phát triển.

Tác động tiêu cực: Nếu đáp ứng của cá nhân với các yếu tố gây Stress không đầy đủ, không thích hợp và cơ thể không tạo ra sự cân bằng mới thì chức năng cơ thể ít nhiều bị rối loạn. Có thể dẫn tới tình trạng căng thẳng, lo âu, mệt mỏi, hoảng sợ, tức giận, giảm khả năng tập trung chú ý, giảm sút trí nhớ. Nếu Stress kéo dài sẽ gây ra những xung đột các nhân đưa đến chứng loạn tâm, nghiện ngập. Nặng hơn nữa có thể gây ra các tổn thương thực thể.

Như vậy, không phải mọi Stress đều xấu và gây hai. Song hầu hết những Stress bệnh lý thường gây hại đối với tâm lý và sinh lý con người.

Cuộc sống càng hiện đại, con người càng đối mặt với Stress tâm lý nhiều hơn. Nhịp độ sống gấp gáp cùng áp lực công việc, học tập là môi trường thuận lợi để Stress phát triển.

  1. Phân loại stress.

– Có nhiều học thuyết cho rằng có 2 loại Stress : Stress âm tính và Stress dương tính

+ Stress âm tính: Chỉ sự kích động của các kích thích có hại đối với con người như: tin dữ, chết chóc, trượt đại học, cãi cọ, mâu thuẫn, xung đột với vợ chồng, cha mẹ, anh em,…

+ Stress dương tính: Chỉ sự kích động của các kích thích tạo ra niềm vui đối với con người như: tin vui, đỗ đại học, trúng số, tăng lương, được thưởng,…

Tuy nhiên, theo học thuyết Stress hiện đại, khái niệm Stress được dùng để chỉ những kích động có hại.

– Trong điều kiện bình thường, Stress là một đáp ứng thích nghi của cơ thể về mặt tâm lý và sinh lý trước các tác nhân. Một cách tương đối, Stress có thể được chi thành 2 loại chính:

+ Stress tâm lý: Là trạng thái tâm lý xuất hiện nhằm đáp ứng với các tác nhân gây Stress.

VD: những thay đổi về trí nhớ, sự tập trung chú ý, các phản ứng cảm xúc,…

+ Stress sinh lý: Là toàn bộ những biến đổi về sinh lý, trạng thái sinh lý của cơ thể nhằm đáp lại các tác nhân gây stress.

VD: sự thay đổi về nhịp tim, nhịp thở, huyết áp, thay đổi về nội tiết,…

  1. Các giai đoạn của phản ứng stress.

Phản ứng của Stress được chia thành 3 giai đoạn: báo động, thích nghi và kiệt quệ.

a. Giai đoạn báo động của Stress

Đây là giai đoạn biểu hiện bằng những biến đổi đặc trưng của chủ thể khi tiếp xúc với các tác nhân gây Stress.

– Các hiện tượng tâm lý được kích thích. Đặc biệt là tăng cường quá trình tập trung chú ý, ghi nhớ, tư duy,…

– Các phản ứng chức năng sinh lý của cơ thể: Tăng huyết áp, tăng nhịp tim, nhịp thở, tăng trương lực cơ, đồng tử giãn, đường huyết tăng, cholesterol tăng,…

Những thay đổi về tâm lý – sinh lý – hành vi đã giúp con người đánh giá được các tình huống Stress. Và bước đầu đề ra được các biện pháp ứng phó với các tình huống gây ra Stress đó. Giai đoạn này có thể diễn ra rất nhanh ( vài phút) hoặc kéo dài vài giờ, vài ngày… Chủ thể có thể chết trong giai đoạn này nếu các yếu tố gây stress quá mạnh. Nếu tồn tại được thì phản ứng chuyển sang giai đoạn thích nghi.

CÁC GIAI ĐOẠN CỦA STRESS
CÁC GIAI ĐOẠN CỦA PHẢN ỨNG STRESS

b. Giai đoạn thích nghi của Stress (giai đoạn chống đỡ)

Trong giai đoạn này, chủ thể tràn ngập cảm giác lo âu, căng thẳng, mệt mỏi. Mọi cơ chế thích nghi được huy động để chống đỡ và điều hòa các rối loạn. Sức đề kháng của cơ thể tăng lên nhằm giúp con người thiết lập lại trạng thái cân bằng nội môi và tạo ra sự cân bằng mới với môi trường.

Nếu con người thích ứng, làm chủ được các tình huống Stress và giai đoạn này tiến triển tốt thì các chức năng tâm – sinh lý sẽ được phục hồi. Trong một tình huống Stress bình thường, chủ thể đáp ứng lại bằng hai giai đoạn là báo động và thích nghi.

Nếu khả năng thích ứng của cơ thể mất dần thì quá trình hồi phục không xảy ra. Do đó, cơ thể chuyển sang giai đoạn kiệt quệ.

c. Giai đoạn kiệt quệ (Stress tâm lý trở thành bệnh lý)

Phản ứng của stress có thể trở thành bệnh lý khi tình huống Stress hoặc quá bất ngờ, dữ dội. Hoặc ngược lại, quen thuộc nhưng được lặp đi lặp lại, vượt qua khả năng dàn xếp của chủ thể.

Stress là một chất muối làm cho cuộc sống thêm thi vị, thiếu nó, không có cuộc sống. Cuộc sống mà không có Stress thì không có thách thức gì, chẳng có trở ngại nào phải vượt qua, chẳng có địa hạt nào muốn chiếm lĩnh, chẳng có lý do gì để trau dồi trí tuệ hoặc nâng cao năng lực. Nhưng điều tai hại gây chết người là trong nhiều tình huống, nó buộc ta xài quá mặn.

Trong giai đoạn kiệt quệ, các biến đổi tâm lý, sinh lý của giai đoạn báo động xuất hiện trở lại. Hoặc là cấp tính, hoặc là tạm thời, hoặc là nhẹ hơn và kéo dài.

Có thể chia Stress bệnh lý thành 2 loại: Stress bệnh lý cấp tính và Stress bệnh lý kéo dài.

** Stress bệnh lý cấp tính:

– Sự hình thành Stress bệnh lý cấp tính: Từ tình huống không lường trước được, có tính chất dữ dội.

VD: khi gặp thảm họa, khi bị tấn công, bị đe dọa bất ngờ,…

– Biểu hiện: chủ thể hưng phấn quá mức về mặt tâm lý và cơ thể.

+ Tăng trương lực cơ: Nét mặt căng thẳng, cử chỉ cứng nhắc, kèm theo cảm giác đau bên trong cơ thể.

+ Rối loạn thần kinh thực vật: Nhịp tim nhanh, có cơn đau vùng trước tim, tăng huyết áp, khó thở , ngất xỉu, chóng mặt, vã mồ hôi, nhức đầu, đau nhiều nơi, nhất là đau cơ bắp…

BIỂU HIỆN CỦA STRESS VỀ THỂ CHẤT
BIỂU HIỆN CỦA STRESS VỀ THỂ CHẤT

+ Tăng quá mức các phản ứng của các giác quan nhất là tai. Người Stress bệnh lý cấp tính có cảm giác khó chịu với cả những tiếng động bình thường.

+ Rối loạn trí tuệ: Kém khả năng tập trung suy nghĩ do nhớ lại các tình huống Stress. Trí nhớ đối với các việc trong đời sống cũng bị giảm sút ở người Stress bệnh lý cấp tính.

+ Dễ nổi cáu, rơi vào trạng thái lo âu, bất an, kèm theo nỗi sợ hãi mơ hồ, kích động nhẹ. Có thể có rối loạn hành vi, người bệnh gặp khó khăn khi giao tiếp với những người xung quanh.

– Thời gian tồn tại: kéo dài từ vài phút đến vì giờ, rồi mờ nhạt đi. Thời gian tồn tại của Stress bệnh lý cấp tính phụ thuộc vào tính chất và tiến triển của Stress. Sự mờ nhạt càng rõ hơn khi có mặt người khác, làm chủ thể yên tâm và khuây khỏa hơn.

** Stress bệnh lý kéo dài:

– Sự hình thành của Stress bệnh lý kéo dài: Stress bệnh lý kéo dài thường được hình thành từ các tình huống quen thuộc, lặp đi lặp lại.

VD: các trường hợp gặp xung đột thường xuyên, gặp điều không toại nguyện, phiền nhiễu trong cuộc sống hàng ngày

– Biểu hiện của Stress bệnh lý kéo dài: Biểu hiện của Stress bệnh lý kéo dài thường rất đa dạng. Chúng thay đổi tùy theo ưu thế về mặt tâm lý, cơ thể hay hành vi

+ Các biểu hiện biến đổi tâm lý, tâm thần của Stress bệnh lý kéo dài:

Chủ thể phản ứng quá mức với hoàn cảnh: Dễ nổi cáu, có cảm giác khó chịu, căng thẳng về tâm lý, mệt mỏi về trí tuệ.

Rối loạn giấc ngủ: Khó ngủ, hay thức giấc và không có cảm giác hồi phục sau khi ngủ.

BIỂU HIỆN CỦA STRESS VỀ TÌNH CẢM
BIỂU HIỆN CỦA STRESS VỀ TÌNH CẢM

Khi những tình huống Stress kéo dài dai dẳng, người bệnh xuất hiện trạng thái lo âu kéo dài và hạn chế các hoạt động bình thường của họ. Họ có thể rơi vào trạng thái trầm cảm. Người bệnh có thể trở nên sợ các phương tiện giao thông công cộng. Trong công việc, họ sợ xung đột với cấp trên. Với người thân họ ngại giao tiếp…

+ Các biểu hiện cơ thể ở người Stress bệnh lý kéo dài:

Người bị Stress bệnh lý kéo dài thường có những rối loạn về thần kinh thực vật ở mức độ vừa. Những rối loạn này tăng lên khi chủ thể hồi tưởng về các tình huống Stress mình đã phải chịu đựng.

Rối loạn về cơ thể ở những người Stress bệnh lý kéo dài thường gặp như:

  • Người bệnh trong trạng thái suy nhược kéo dài
  • Nhức đầu, đau nửa đầu, đau cột sống kéo dài.
  • Căng cơ bắp, run chân tay, đổ mồ hôi.
  • Đánh trống ngực, đau vùng trươc tim, huyết áp tăng không ổn định.

Tất nhiên, không phải mọi Stress bệnh lý kéo dài đều có những biểu hiện về tâm lý và cơ thể kể trên.

+ Các biểu hiện về hành vi của người Stress bệnh lý kéo dài:

Tình huống gây Stress bệnh lý kéo dài có thể gây ức chế hoặc kích thích hành vi của con người. Dẫn đến những rối loạn hành vi.

Các rối loạn hành vi xảy ra ở người Stress bệnh lý kéo dài xảy ra là do chủ thể né tránh các quan hệ xã hội. Hoặc ngược lại do những xung đột gây mất kiềm chế, có những hành động quá khích với người xung quanh. Có người thay đổi hẳn tính cách, hành vi ứng xử. Họ làm cho người khác không nhận ra, hoặc băn khoăn về nhân cách của họ.

Các rối loạn hành vi ở người Stress bệnh lý kéo dài ban đầu chỉ gây ra sự khó chịu. Nhưng sau đó là phiền toái cho người khác. Rồi phát triển và gây ra những tổn thất, làm trở ngại cho công việc của người bệnh.

Có người Stress bệnh lý kéo dài tìm đến rượu, thuốc lá…với mong muốn làm dịu đi căng thẳng, lo âu. Tuy nhiên, bản thân các chất kích thích này lại gây nên căng thẳng và lo âu. Chính vì vậy, họ ngày càng phải sử dụng liều cao hơn. Hành vi cứ lặp lại và tăng dần thành một vòng xoáy đáng sợ của nghiện ngập. Những rối loạn này gây ảnh hưởng tai hại đến quan hệ xã hội của chủ thể.

=> Tóm lại, khi đối mặt với các tình huống Stress  con người có phản ứng Stress. Hoặc là phản ứng bình thường mang tính thích nghi, hoặc là Stress bệnh lý. Chúng ta cần chú ý những biến đổi về tâm lý, cơ thể và hành vi khi có phản ứng Stress cấp tính hay kéo dài.

Related posts

3 Thoughts to “STRESS, STRESS BỆNH LÝ, STRESS TÂM LÝ”

  1. […] Tìm hiểu về stress, stress tâm lý, stress sinh lý… […]

  2. […] hiểu thêm về stress, nguyên nhân gây stress, bệnh lý do stress gây […]

  3. […] chúng ta stress, tuyến thượng thận sẽ tăng tiết hormon Androgen. Nồng độ hormon androgen tăng […]

Leave a Comment