CÁCH XOA BÓP ĐẦU, VAI, LƯNG, BỤNG, NGỰC, CHI – YHCT
Cách xoa bóp đầu, cổ gáy, xoa bóp lưng, bụng, chân, tay, ngực theo y học cổ truyền.
Cách xoa bóp đầu
– Chỉ định: Đau đầu do các nguyên nhân khác nhau.
– Huyệt: Ấn đường, Thái dương, Đầu duy, Bách hội, Phong phủ, Phong trì.
– Tiến hành xoa bóp đầu: Bệnh nhân ngồi, thầy thuốc đứng.
+ Véo từ ấn đường tỏa sang 2 bên thái dương theo hình nan quạt. Làm từ trên xuống dưới.
Miết từ ấn đường sang 2 bên và tỏa hết trán.
Dùng 2 ngón tay phân – hợp vùng trán (2 tay miết đồng thời, phân: từ 1 chỗ sang 2 bên; hợp: từ 2 bên về 1 chỗ).
+ Day thái dương 3 lần rồi miết từ thái dương lên Đầu duy, vòng ra phía sau tai (Phong trì) từ 3 – 5 lần.

+ Vỗ đầu: Hai bàn tay để đối diện nhau rồi vỗ quanh đầu từ 2-3 lần.
+ Chặt quanh đầu từ 2-3 lần.
+ Bóp đầu
+ Ấn Bách hội, Phong trì, bóp gáy, bóp vai, vờn vai.
Xoa bóp vùng cổ gáy
– Chỉ định: vẹo cổ, vận động khớp cổ bị hạn chế kèm theo đau đầu.
– Huyệt: Đại trùy, Kiên tỉnh, Kiên ngung, Khúc trì, Thiên tông, Thủ tam lý, Hợp cốc, Dương trì
– Tiến hành: Bệnh nhân ngồi, thầy thuốc đứng ở phía sau.
+ Day nhẹ vùng cổ gáy: Nếu đau 1 bên thì day bên đau. Nếu đau cả hai bên thì day cả hai bên.
+ Lăn vùng tam giác tạo bởi ba huyệt Phong trì, Kiên tỉnh, Đại chùy.
+ Tìm điểm đau nhất dọc cơ ức đòn chũm hoặc cơ thang rồi day điểm đó từ nhẹ đến nặng.
+ Ấn các huyệt: Phong phủ, Phế du, Đốc du, Cự cốt, Phong trì. Khi ấn Phong trì và phong phủ thì 1 tay giữ trán người bệnh, tay kia ấn huyệt.

+ Vận động khớp cổ:
Quay cổ: Thầy thuốc đứng sau bệnh nhân, 1 tay đỡ cằm, tay kia để ở xương chẩm rồi vận động đầu bệnh nhân qua phải, qua trái với góc độ tăng dần lên đến khi có cảm giác nhẹ tay thì khéo dùng sức hơi mạnh lắc đầu bệnh nhân qua phải, qua trái.
Nghiêng cổ: Cẳng tay thầy thuốc để ở bên trái cổ người bệnh. Tay kia làm động tác nghiêng cổ vài lần. Rồi đột nhiên nghiêng mạnh sang phía có tay đỡ. Sau đó nghiêng cổ sang phía đối diện.
Ngửa cổ: Cẳng tay thầy thuốc đỡ sau gáy bệnh nhân. Tay kia để ở trán làm động tác ngửa cúi cổ bệnh nhân vài lần. Rồi đột nhiên ngửa mạnh cổ bệnh nhân lần cuối.
+ Bóp vùng gáy.
+ Bóp vai, vờn vai (hai tay hơi khum lại bao lấy vai rồi chuyển động theo 2 chiều ngược nhau sao cho da cơ bệnh nhân di động dưới tay thầy thuốc).
Cách xoa bóp lưng
– Chỉ định: Đau lưng do suy nhược thần kinh, bệnh dạ dày và ruột.
– Huyệt: Đại chữ, Cách du, Phế du, Mệnh môn.
– Tiến hành:
+ Bệnh nhân nằm sấp, hai tay xuôi dọc thân ngực, sát giường. Nếu bệnh nhân đau do dính khớp cột sống thì kê dưới ngực một gối mỏng.
+ Day, đấm rồi lăn vùng thắt lưng hai bên và cột sống.
+ Tìm các điểm đau hai bên cột sống và trên cột sống rồi day từ nhẹ đến mạnh.
+ Ấn các huyệt Đại trữ, Phế du, Cách du, Thận du.

+ Phân hợp 2 bên thắt lưng.
+ Véo cột sống thắt lưng 3 lần. Và phát vùng huyệt Mệnh môn 3 cái.
Cách xoa bóp bụng
– Chỉ định: Đầy bụng, sôi bụng, ăn không tiêu, táo bón, đau bụng nội khoa.
– Huyệt: Trung quản, Quan nguyên, Khí hải, Thiên khu
– Tiến hành:
+ Miết từ Trung quản đến Thần khuyết.

+ Xoa bụng theo chiều kim đồng hồ.
+ Ấn các huyệt như trên.
+ Phân bụng, kết hợp ấn Vị du, Túc tam lý.
Cách xoa bóp ngực
– Chỉ định: Đau tức ngực, khó thở, đau dây thần kinh liên sườn, viêm tắc tia sữa.
– Huyệt: Vân môn, Đản trung, Nhật nguyệt, Chương môn, Khuyết bồn.
– Tiến hành: Tư thế bệnh nhân nằm ngửa.
+ Miết từ giữa ngực sang hai bên: Các ngón tay để ở các khe liên sườn 1 – 2 – 3 và miết dọc theo các khe liên sườn ra hai bên từ 3 – 4 lần.
+ Phân ngực: Dùng ô mô út của 2 tay xát dọc theo xương ức khi tới mũi ức thì phân ra 2 bên sườn từ 5 – 10 lần.
+ Ấn các huyệt như trên tùy theo vị trí.
+ Phân ngực lần 2.
+ Nếu bệnh nhân đau dây thần kinh liên sườn nên tìm điểm đau ở phía lưng sát cột sống (đoạn ngực) và tìm điểm đau tương ứng với các huyệt du rồi tác động lên các huyệt đó.
Cách xoa bóp chi trên
– Chỉ định: Đau khớp vai, bong gân khớp vai, khớp khuỷu, khớp cổ tay, công năng chi trên kém.
– Huyệt: Đại chùy, Kiên tỉnh, Kiên ngung, Khúc trì, Thiên tông, Thủ tam lý, Hợp cốc, Dương trì.
– Tiến hành: Bệnh nhân ngồi, thầy thuốc đứng phía sau bệnh nhân về phía tay đau.
+ Day rồi lăn vùng vai.
+ Bóp và lăn cánh tay, cẳng tay.
+ Tìm và day điểm đau.
+ Ấn các huyệt như trên tùy theo vị trí.
+ Vận động các khớp chi trên.
Vận động khớp vai: Một tay giữ vai, tay kia cầm tay bệnh nhân quay tròn từ 2-3 lần một mặt để chuẩn bị vận động, một mặt để xem phạm vi vận động của khớp đến đâu.
Kéo giãn cánh tay ra ngang, đưa lên cao, vòng ra trước ngực rồi vòng xuống dưới từ 3-5 lần.
Hai bàn tay thầy thuốc đan vào nhau để trên vai bệnh nhân, tay bệnh nhân để trên khuỷu tay thầy thuốc. Sau đó thầy thuốc vừa ấn vai bệnh nhân xuống vừa từ từ đưa tay người bệnh lên cao dần rồi hạ xuống từ 3-5 lần.
Vận động khớp khuỷu: Một tay giữ phía trên khớp khuỷu, một tay nắm cổ tay bệnh nhân. Làm động tác gấp, duỗi, sấp, ngửa từ 3-5 lần.
Vận động khớp cổ tay: Hai tay thầy thuốc nắm bàn tay bệnh nhân. Hai ngón cái thầy thuốc để ở ô mô út và ô mô cái bệnh nhân. Dùng ngón tay cái đẩy bàn tay ngửa ra phía sau. Trong khi đó các ngón khác kéo gốc bàn tay người bệnh lại. Ấn chặt cổ tay và kéo dần cổ tay lên một lần nữa.
+ Vê và kéo các ngón tay.
+ Vờn tay, rung tay.
+ Phát vùng huyệt Đại chùy 3 cái.
Cách xoa bóp chi dưới
– Chỉ định: Đau và hạn chế vận động các khớp vùng chi dưới, đau thần kinh hông to, thần kinh đùi.
– Huyệt: Cự liêu, Hoàn khiêu, Thừa phù, Ân môn, Ủy trung, Thừa sơn, Côn lôn, Thái khê, Phục thỏ, Tất nhãn, Hạc đỉnh, Túc tam lý, Dương lăng tuyền, Phong long, Giải khê.
– Tiến hành xoa bóp chi dưới:
Xoa bóp ở tư thế bệnh nhân nằm sấp:
+ Xoa bóp vùng thắt lưng
+ Day và lăn vùng mông và chân.
+ Tìm và day điểm đau.
+ Điểm huyệt Hoàn khiêu và ấn các huyệt Cự liêu, Thừa phủ, Ủy trung, Thừa sơn, Côn lôn, Phong long, Thái khê.
+ Vận động khớp gối.
Gấp chân người bệnh, đưa gót chân ép vào mông từ 2-3 lần.
+ Bóp và vờn chi dưới
+ Phát vùng huyệt Mệnh môn.
Cách xoa bóp ở tư thế bệnh nhân nằm ngửa:
+ Day rồi lăn vùng đùi và mặt trước cẳng chân.
+ Ấn các huyệt như Phục thỏ, Tất nhãn, Hạc đỉnh, Túc tam lý, Dương lăng tuyền, Giải khê.
+ Vận động khớp gối.
Bắp chân bệnh nhân gác lên cẳng tay thầy thuốc. Bàn tay kia để ở gối bệnh nhân. Làm động tác co duỗi vài lần rồi đột ngột ấn mạnh vào gối bệnh nhân từ 1-2 lần.
+ Vê và kéo các ngón chân.