VI KHUẨN THƯƠNG HÀN, BỆNH DO VI KHUẨN THƯƠNG HÀN
Vi khuẩn thương hàn (Salmonella) ký sinh ở đường tiêu hóa của người và động vật. Chúng gây bệnh cho người và động vật, hoặc cả hai. Các bệnh do vi khuẩn thương hàn gây ra có thể chia làm hai nhóm là: bệnh thương hàn và bệnh khác.
-
Khả năng gây bệnh của vi khuẩn thương hàn
** Vi khuẩn thương hàn gây bệnh thương hàn
– Cơ chế gây bệnh
Vi khuẩn thương hàn xâm nhập vào cơ thể theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Số lượng vi khuẩn đủ để có thể gây bệnh khoảng 10^5 – 10^7.
Vi khuẩn đến đoạn cuối của hồi tràng thì xâm nhập vào mảng Peyer và nhân lên ở đó. Từ mảng Peyer, vi khuẩn thương hàn tới hạch mạc treo ruột nhờ các tế bào M (đại thực bào của mảng Peyer). Ở đây, vi khuẩn nhân lên, rồi theo đường bạch huyết vào máu gây nhiễm khuẩn huyết. Từ máu, vi khuẩn tới lách, tới gan rồi theo đường mật xuống ruột đào thải vi khuẩn qua phân. Tới thận, một số vi khuẩn thương hàn được đào thải qua nước tiểu.
Một số vi khuẩn thương hàn bị dung giải và giải phóng ra nội độc tố. Nội độc tố kích thích thần kinh giao cảm ở ruột gây tổn thương mảng Peyer, xuất huyết tiêu hóa, có thể gây thủng ruột. Ngoài ra, nội độc tố theo máu lên kích thích trung tâm thần kinh thực vật ở não thất III. Gây ra trạng thái sốt kéo dài, li bì, mạch nhiệt phân ly. Và có thể gây biến chứng trụy tim mạch.
Sau khi khỏi bệnh, có khoảng 5% bệnh nhân trở thành người lành mang vi khuẩn kéo dài hàng tháng đến hàng năm. Ở họ, ổ chứa vi khuẩn thương hàn là đường mật. Và vi khuẩn vẫn trực tiếp được đào thải theo phân ra ngoài ngoại cảnh. Người lành mang vi khuẩn là nguồn lan truyền bệnh quan trọng.
– Lâm sàng bệnh thương hàn

Ở nước ta, bệnh thương hàn chủ yếu do S. Typhi, sau đó đến S. paratyphi A. Còn S.paratyphi B và S. paratyphi C thì ít gặp. Sau thời gian ủ bệnh 7 – 10 ngày, bệnh biểu hiện với các triệu chứng: nhiễm trùng, nhiễm độc nặng kèm theo rối loạn tiêu hóa và trạng thái li bì. Nếu không được điều trị có thể có biến chứng xuất huyết tiêu hóa, hoại tử ruột.
** Vi khuẩn thương hàn gây nhiễm khuẩn và nhiễm độc thức ăn
Bệnh xảy ra do ăn phải thức ăn nhiễm vi khuẩn thương hàn. Căn nguyên thường gặp là S. enteritidis và S. typhimurium. Thời gian ủ bệnh khoảng, chỉ 10 – 48 giờ (nhiễm độc thức ăn do nhiễm tụ cầu vàng rất ngắn, chỉ 30 phút đến 2 – 3 giờ). Biểu hiện của bệnh là sốt, nôn, tiêu chảy. Ở người lớn, bệnh thường tự khỏi sau 2 – 5 ngày. Ở trẻ nhỏ và những người có sức đề kháng kém có thể có những tổn thương thứ phát ở ngoài đường tiêu hóa như: nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm xương…
-
Phòng và điều trị bệnh do vi khuẩn thương hàn gây ra
Phòng bệnh
– Phòng bệnh không đặc hiệu
+ Thực hiện vệ sinh ăn uống: ăn chia, uống nước đã đun sôi, rửa tay trước khi ăn, diệt ruồi.
+ Xử lý phân, cung cấp và sử dụng nước sạch.
+ Phát hiện người lành mang vi khuẩn để điều trị triệt để
+ Cách ly bệnh nhân để điều trị, xử lý chất thải của bệnh nhân.

– Phòng bệnh đặc hiệu
Trước đây người ta dùng vacxine TAB (typhi, Para A, Para B). Đây là vacxine bất hoạt, dùng đường tiêm. Hiệu lực bảo vệ không cao và chỉ kéo dài khoảng 6 tháng nên hiện nay không dùng nữa.
Hiện nay, 2 loại vacxine đang được sử dụng là: vacxine polysaccharid tinh chế và vacxine sống giảm động lực.
+ Vacxine polysaccharid tinh chế được sản xuất từ kháng nguyên Vi của vi khuẩn thương hàn (chủng Salmonella typhi). Tiêm dưới da hoặc tiêm bắp 1 liều 25 microgam/0,5ml, hiệu lực bảo vệ kéo dài 3 – 5 năm.
+ Vacxine sống giảm động lực được sản xuất từ Salmonella typhi Ty 21a. Vacxine này được dùng bằng đường uống.
Điều trị bệnh do vi khuẩn thương hàn gây ra
Sử dụng kháng sinh với liều lượng hợp lý. Không dùng liều lượng cao vì gây ly giải nhiều vi khuẩn, dẫn đến sinh nhiều nội độc tố cùng lúc, dẫn đến trụy tim mạch.
Trước đây, chloramphenicol hoặc co – trimoxazole được sử dụng để điều trị bệnh thương hàn. Ngày nay, đã xuất hiện một số chủng vi khuẩn thương hàn kháng thuốc đó. Vì vậy, cần làm kháng sinh đồ để chọn kháng sinh thích hợp.
Hiện nay, những kháng sinh thường được sử dụng để điều trị bệnh thương hàn là ceftriaxone và ciprofloxacine.
Nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn, chủ yếu là điều trị triệu chứng như bù nước và điện giải. Kháng sinh chỉ được sử dụng trong trường hợp nặng.