NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG THUỐC KHÁNG SINH TRONG ĐIỀU TRỊ
>Nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị.
Các nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị hợp lý:
1. Nguyên tắc 1: Chỉ sử dụng kháng sinh thật sự bị bệnh nhiễm khuẩn.
2. Nguyên tắc 2: Dùng kháng sinh càng sớm càng tốt.
3. Nguyên tắc 3: Lựa chọn kháng sinh hợp lý.
4. Phối hợp kháng sinh, chỉ phối hợp kháng sinh khi thật cần thiết.
5. Nguyên tắc 5: Dùng kháng sinh đủ liều và đúng thời gian quy định.
Phòng ngừa bằng thuốc kháng sinh phải thật hợp lý.
Nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh 1: Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi có nhiễm khuẩn.
Tác nhân gây nhiễm khuẩn có thể là vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng… Chỉ dùng kháng sinh khi tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, không dùng khi nhiễm nấm.
Khẳng định là nhiễm khuẩn (dựa vào triệu chứng lâm sàng): sốt ≥ 390C là dấu hiệu điển hình, nhưng cũng có trường hợp chỉ sốt nhẹ như bệnh nhân suy giảm miễn dịch, người già…
Nhưng sốt do virus thủy đậu, quai bị, sốt xuất huyết, bại liệt cũng sốt cao.
Xác định có vi khuẩn xâm nhập qua khám lâm sàng và cận lâm sàng như công thức máu, tốc độ máu lắng…, cấy tìm vi khuẩn gây bệnh (Chẩn đoán xác định).
Nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh 2: Dùng kháng sinh càng sớm càng tốt.
Dùng kháng sinh sớm vì lúc đó vi khuẩn chịu tác dụng của thuốc là tốt nhất.
Nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh 3: Lựa chọn kháng sinh hợp lý.
*Sử dụng thuốc kháng sinh theo phổ tác dụng, dược động học:
Nhiễm khuẩn đã được xác định thì dùng kháng sinh phổ hẹp, ít độc tính.
* Sử dụng kháng sinh theo độ nhạy của vi khuẩn:
Sử dụng kháng sinh theo kháng sinh đồ là tốt nhất. Khi chưa có kháng sinh đồ thì dùng kháng sinh bằng định hướng mầm bệnh theo vị trí nhiễm khuẩn.
* Sử dụng kháng sinh theo vị trí nhiễm khuẩn.
– Nắm chắc các đặc điểm dược động học của kháng sinh mới có thể lựa chọn thuốc có hoạt lực cao với vi khuẩn và khuếch tán vào ổ nhiễm tốt.
Ví dụ: Vào mật: Ampicillin, Tetracyclin, cefoperazol…
Vào xương – khớp nhiều: Lincomycin. Rifampicin, clindamycin…
Vào tiết niệu: Tobramycin, spectinomycin, ciprfloxacin…
Vào dịch não tủy: Penicillin, Chloramphenicol, Co – trimoxazol…
– Khó đạt được cả 2 mục tiêu trong lựa chọn thuốc, thường ưu tiên chọn loại có hoạt lực cao, còn nếu khả năng thấm thuốc vào ổ nhiễm khuẩn ít thì người ta có thể đưa thẳng thuốc vào ổ nhiễm khuẩn (nếu có thể được).
VD: Dùng kháng sinh bôi tại chỗ, khí dung dùng điều trị nhiễm khuẩn tai – mũi – họng.
* Nguyên tắc sử dụng kháng sinh theo cơ địa bệnh nhân.
– Lựa chọn kháng sinh theo cá thể và tình trạng bệnh lý đi kèm.
– Trẻ em và người cao tuổi: Chức năng gan thận chưa hoàn chỉnh hoặc bị suy giảm. Người già tỷ lệ dị ứng kháng sinh cao do bị nhiều bệnh, dùng nhiều thuốc, dễ gây độc.
– Với phụ nữ có thai: Cân nhắc việc dùng kháng sinh khi nhiễm khuẩn nặng. Sự cân nhắc luôn ưu tiên hướng về người mẹ, tránh tuyệt đối các loại thuốc có độc tính cao.
– Với người suy thận: Giám sát nồng độ thuốc kháng sinh trong máu là tốt nhất (khó thực hiện). Chú ý loại thuốc chứa Na+ gây giữ muối nước.
– Người suy gan: Chọn loại thuốc kháng sinh ít chuyển hóa qua gan như các aminosid, penicillin…
– Với người cơ địa dị ứng: Dùng các kháng sinh tổng hợp, bán tổng hợp ít dị ứng hơn các sản phẩm chiết từ môi trường nuôi cấy vi sinh, có thể dị ứng chéo.
* Chọn dạng thuốc thích hợp – Nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý trong điều trị
Dựa vào động lực học, vị trí tác dụng của thuốc và tình trạng nhiễm khuẩn.
Kháng sinh tại chỗ dễ gây kích ứng hoặc kháng thuốc. Thường dùng kháng sinh tại chỗ với nhiễm khuẩn mắt – mũi – tai – họng…
Nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh 4: Phối hợp kháng sinh hợp lý, chỉ phối hợp khi thật cần thiết.
Phối hợp kháng sinh nhằm nới rộng phổ tác dụng, tăng hiệu quả điều trị và giảm tỷ lệ kháng thuốc.
Hiện nay có nhiều kháng sinh phổ rộng hoặc đã có phối hợp sẵn. Không khuyến khích phối hợp để tránh tương tác bất lợi, tương kị và sai lầm có thể gặp khi phối hợp.
Chỉ phối hợp khi cần thiết như điều trị kéo dài, nhiễm khuẩn nặng hoặc trên chủng vi khuẩn đã kháng kháng sinh mạnh…
* Chỉ định phối hợp kháng sinh:
– Nhiễm 2 hoặc nhiều vi khuẩn cùng một lúc. Nhiễm khuẩn nặng chưa rõ nguyên nhân.
– Áp dụng tác dụng hiệp đồng của thuốc kháng sinh trong một số trường hợp đặc biệt.
VD: Penicillin + Streptomycin. Sulfamid +Trimethoprim…
– Phòng ngừa được sự xuất hiện của vi khuẩn kháng kháng sinh.
* Nguyên tắc của phối hợp thuốc kháng sinh:
– Kháng sinh nhóm I (diệt khuẩn): như β lactam, aminosid, polypeptid, vancomycin…
– Kháng sinh nhóm II (kìm khuẩn): Tetracyclin, cloramphenicol, macrolid, lincomycin…
– Kết hợp các thuốc kháng sinh nhóm I với nhóm II gây tác dụng đối kháng.
– Kết hợp các thuốc kháng sinh trong cùng nhóm I sẽ có tác dụng cộng hoặc tăng mức.
– Kết hợp các thuốc kháng sinh trong cùng nhóm II sẽ chỉ có tác dụng cộng.

* Nhược điểm của phối hợp thuốc kháng sinh.
– Phối hợp thuốc kháng sinh không đúng sẽ làm giảm tác dụng (hiệp đồng đối kháng). Làm tăng độc tính của thuốc hoặc gây kháng thuốc và giá thành điều trị cao.
– Hiện nay không khuyến khích phối hợp thuốc kháng sinh vì đã có thuốc kháng sinh phổ rộng.
Nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh 5: Dùng đủ liều và đúng thời gian quy định.
Đủ liều để đủ nồng độ và ổn định lượng kháng sinh trong máu. Dùng liều có tác dụng ngay từ đầu. Không dùng tăng dần để tránh quen thuốc (trừ thương hàn).
– Thời gian dùng thuốc kháng sinh: Đến hết nhiễm khuẩn (bệnh nhân hết sốt, ăn ngủ tốt,..) và thêm 2 – 3 ngày nữa (người bình thường), 5 – 6 ngày nữa với người suy giảm miễn dịch.
– Độ dài đợt điều trị: Tùy nhiễm khuẩn. Nhẹ là 7 – 10 ngày hoặc dài hơn trên các nhiễm khuẩn mà kháng sinh khó thâm nhập vào như màng não, xương, tim… Nhiễm khuẩn khớp háng dùng 3 – 6 tháng, nhiễm khuẩn lao điều trị tới 8 tháng…
– Số lần dùng trong ngày tùy mục đích điều trị và tùy thời gian bán hủy của thuốc kháng sinh.
– Liệu trình chớp nhoáng: Một số nhiễm khuẩn sinh dục – tiết niệu cấp chưa có biến chứng như viêm bàng quang, viêm niệu đạo hoặc lậu cấp…nên dùng nhóm kháng sinh thải mạnh qua thận, thời gian tác dụng ngắn nhưng có hoạt lực cao ở đường niệu sinh dục.
– Liệu trình một liều (1 lần): Dùng kháng sinh có thời gian bán hủy dài (vài ngày hoặc vài tuần), có nồng độ tập trung cao và duy trì ở nơi nhiễm khuẩn.
Nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh trong dự phòng.
* Phòng chống bội nhiễm trong một số phẫu thuật nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn.
– Nhất thiết phải đưa kháng sinh trước đặt dao nhưng không sớm hơn 2 giờ trước khi mổ.
– Chọn kháng sinh phổ rộng để tác dụng được trên các tác nhân gây nhiễm khuẩn hay gặp trong loại phẫu thuật đó.
– Chọn kháng sinh loại có thời gian bán hủy dài để giảm số lần đưa thuốc và nếu rẻ tiền thì tốt.
– Độ dài của đợt dùng thuốc: Không quá 24 giờ sau mổ. Đa số chỉ 1 – 2 liều là đủ.
* Phòng nguy cơ viêm nội tâm mạc do liên cầu trong bệnh thấp khớp.
Dùng dạng thuốc kháng sinh tác dụng kéo dài (dựa vào dược động học).
Các nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh, nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý.