VI KHUẨN LỴ (SHIGELLA), BỆNH DO VI KHUẨN LỴ
VI KHUẨN LỴ (SHIGELLA)
Vi khuẩn lỵ là một loại vi khuẩn thuộc họ vi khuẩn đường ruột. Là trực khuẩn Gram âm, không có lông, không có vỏ, không sinh nha bào.
-
Độc lực của vi khuẩn lỵ
– Khả năng xâm nhập: vi khuẩn lỵ gây bệnh bằng cơ chế xâm nhập vào tế bào biểu mô của niêm mạc đại tràng nhờ các gen trên plasmid (ipa: ivasion plamid antigen) mã hóa cho các protein xâm nhập.
– Độc tố:
+ Nội độc tố: Các vi khuẩn lỵ đều có nội độc tố. Nội độc tố của chúng cấu tạo như kháng nguyên thân, có độc tính mạnh nhưng tính kháng nguyên yếu. Tác dụng chính của nội độc tố là gây phản ứng tại ruột.
+ Ngoại độc tố: chủng vi khuẩn Shigella shiga có thêm ngoại độc tố. Ngoại độc tố có cấu trúc gồm một chuỗi polypeptid A và năm chuỗi polypeptid B. Các chuỗi B giúp độc tố gắn vào receptor của tế bào để chuỗi A xâm nhập vào trong tế bào. Làm ngừng quá trình tổng hợp protein của tế bào, dẫn tới tế bào bị chết. Ngoại độc tố này rất giống với độc tố của EHEC.
-
Khả năng gây bệnh của vi khẩn lỵ.
Dịch tễ
Vi khuẩn lỵ là tác nhân gây bệnh lỵ trực khuẩn. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ em có tổ lệ mắc bệnh cao hơn. Bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa do thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Cũng có thể lây truyền trực tiếp do tay bị nhiễm khuẩn.

Bệnh có khả năng gây thành dịch, nhất là những vùng có điều kiện vệ sinh kém.
Người lành mang vi khuẩn và người bệnh đóng vai trò quan trọng trong gây dịch.
Cơ chế gây bệnh
Trực khuẩn lỵ (do vi khuẩn lỵ có hình trực) xâm nhập vào cơ thể theo đường tiêu hóa. Số lượng vi khuẩn có thể gây bệnh là khoảng 102 – 103.
Vi khuẩn lỵ tới đại tràng, bám vào màng của tế bào biểu mô rồi xâm nhập và nhân lên trong tế bào làm tế bào bị tổn thương. Vi khuẩn lan tràn từ tế bào biểu mô này đến tế bào biểu mô khác. Nhiều trực khuẩn lỵ chết, giải phóng ra nội độc tố gây xung huyết, xuất tiết. Tạo thành những vết loét nông, lan rộng trên bề mặt biểu mô của đại tràng.
Nội độc tố còn tác động lên thần kinh giao cảm gây co thắt và tăng nhu động ruột. Làm bệnh nhân đau quặn bụng, mót rặn, đi ngoài nhiều lần, phân có nhầy và máu.
Ngoài nội độc tố, Shigella shiga còn sinh ngoại độc tố. Ngoại độc tố vào máu dẫn đến hội chứng tan máu, urê huyết cao. Ngoại độc tố rất độc với thần kinh trung ương, có thể gây viêm màng não và hôn mê.

Bệnh lỵ trực khuẩn thường ở thể cấp tính. Một số ít trường hợp có thể trở thành mạn tính.
-
Chẩn đoán vi sinh vật vi khuẩn lỵ
Cấy phân là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán bệnh lỵ trực khuẩn. Bệnh phẩm được lấy chỗ phân có nhầy, máu. Và được cấy ngay vào môi trường phân lập Shigella như DCL (deoxycholate citrate lactose) , Endo, SS (Salmonella – Shigella). Xác định vi khuẩn dựa vào tính chất hóa sinh và phản ứng ngưng kết với kháng huyết thanh mẫu của Shigella.
-
Phòng bệnh và điều trị bệnh do vi khuẩn lỵ gây ra
Phòng bệnh
– Phòng bệnh không đặc hiệu:
Đây là phương pháp phòng bệnh chủ yếu hiện nay. Các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu chính bao gồm: vệ sinh ăn uống, sử dụng nước sạch, xử lý phân, diệt ruồi, chẩn đoán sớm, cách li bệnh nhân.
– Phòng bệnh đặc hiệu:
Hiện nay chưa có vacxine phòng bệnh. Một số nước trên thế giới đang nghiên cứu sản xuất vacxine sống giảm động lực đưa vào cơ thể bằng đường uống, nhằm tạo miễn dịch tại chỗ ở ruột.
Điều trị bệnh
Nguyên tắc điều trị bệnh do vi khuẩn lỵ gây ra là điều trị triệu chứng như bù nước, bù điện giải. Kết hợp với sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.
Vi khuẩn lỵ đề kháng với nhiều loại kháng sinh. Vì vậy, cần làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh thích hợp. Hiện nay, kháng sinh thuộc nhóm quinolone như ciprofloxacine, ofloxacin, norfloxacin còn có tác dụng tốt với vi khuẩn lỵ.