TIÊU HÓA Ở MIỆNG VÀ THỰC QUẢN NHƯ THẾ NÀO – SINH LÝ TIÊU HÓA
QUÁ TRÌNH TIÊU HÓA Ở MIỆNG VÀ THỰC QUẢN DIỄN RA NHƯ SAU:
Tiêu hóa ở miệng và thực quản qua hoạt động cơ học
Động tác nhai
Nhai là hoạt động tương đối của hàm dưới, rời xa, rồi ép vào hàm trên nhờ sự hoạt động của cơ nhai. Động tác nhai có tác dụng xé thức ăn thành mảnh nhỏ. Giúp cho nước bọt thấm sâu vào khối thức ăn và hình thành các viên thức ăn. Tạo điều kiện cho quá trình nuốt. Trong quá trình nhai, lưỡi vừa đẩy những mảnh thức ăn lớn vào mặt nhai của răng, vừa đẩy khối thức ăn thành các viên. Và đưa xuống họng giúp hoạt động nuốt được thực hiện.
Nhai rất quan trọng với tiêu hóa ở miệng và thực quản. Vì các enzym tiêu hóa chỉ tác động trên bề mặt của các phân tử thức ăn. Quá trình nghiền thức ăn thành những phân tử nhỏ rồi trộn lẫn với nước bọt vừa làm tăng diện tích tiếp xúc của thức ăn với enzym tiêu hóa. Vừa làm cho thức ăn được vận chuyển một cách dễ dàng mà không làm tổn thương ống tiêu hóa. Đối với rau quả, nhai cũng làm phá vỡ màng bọc cellulose. Để những chất dinh dưỡng bên trong có thể được tiêu hóa và hấp thu.
Hoạt động nuốt
Đây là hoạt động cơ học trong quá trình tiêu hóa ở miệng và thực quản. Có tác dụng đưa viên thức ăn tới sát tâm vị dạ dày. Quá trình nuốt được chia thành 3 giai đoạn:

– Giai đoạn miệng (nuốt có ý thức): Khi nuốt, miệng ngậm lại, nâng lên, ép thức ăn vào vòm họng, viên nuốt từ miệng sẽ được đẩy xuống họng.
– Giai đoạn họng (nuốt không ý thức): Khi nuốt, xung truyền từ trung tâm nuốt ở hành não. Từ trung tâm, xung truyền theo dây TK V, IX, X, XII đến họng và thực quản gây co các cơ ở họng. Làm đường lên mũi đóng, đường xuống thanh quản đóng, đường xuống thực quản mở. Viên nuốt được đẩy xuống thực quản. Toàn bộ giai đoạn này kéo dài 1 – 2 giây.
– Giai đoạn thực quản: Viên nuốt được đưa xuống thực quản nhờ là sóng nhu động của thực quản. Khi ăn, viên nuốt đến đoạn nào làm đoạn đó giãn ra. Đoạn trên co lại, tạo 1 áp lực nhỏ đẩy viên nuốt từ trên xuống. Đây là phản xạ ruột, hay còn gọi là quy luật Bayliss – Starling. Các làn sóng nhu động của thực quản được kiểm soát bởi dây TK IX, X và đám rối thần kinh Auerbach.
Toàn bộ quá trình này diễn ra trong một thời gian ngắn. Khoảng 8 – 10 giây. Khi viên thức ăn tới tâm vị, đọng lại một thời gian ngắn chờ tâm vị mở. Viên nuốt được đưa vào dạ dày.
Tiêu hóa ở miệng và thực quản qua hoạt động bài tiết
Nước bọt là sản phẩm hoạt động bài tiết của các tuyến. Bao gồm tuyến nước bọt mang tai, tuyến dưới hàm , dưới lưỡi. Đơn vị bài tiết nước bọt là Salivon. Mỗi salivon gồm có nang và ống dẫn. Nước bọt ra khỏi nang có nồng độ Na+ , K+ và Cl– giống như huyết tương. Nhưng khi nước bọt chảy qua các ống dẫn thì các Na+ và Cl– được tái hấp thu. Đồng thời các K+ và HCO3– được bài tiết vào lòng ống. Do đó, nồng độ K+ cao gấp 7 lần, nồng độ HCO3– cao gấp 3 lần. Trong khi nồng độ Na+ và Cl– chỉ bằng 1/7 đến 1/10 nồng độ của chúng trong huyết tương. Dịch tiết ra từ các tuyến nước bọt tại miệng có tác dụng tham gia vào hoạt động tiêu hóa thức ăn.

Tính chất
Nước bọt là chất lỏng không màu, hơi nhầy; pH= 6 – 7,4. Lượng nước bọt được bài tiết hàng ngày trung bình: 800 – 1500ml.
Thành phần
– Nước chiếm 98 -99 %
– Các chất vô cơ và các ion: K+, Ca2+, Na+ và một lượng nhỏ muối phosphat, muối bicarbonat. Và một lượng nhỏ enzym amilase (pyalin), enzym lysozym và các chất nhầy.
Tác dụng của nước bọt trong quá trình tiêu hóa ở miệng và thực quản
Nước bọt có tác dụng thấm ướt niêm mạc miệng, giúp miệng khỏi bị khô, dễ phát âm vf dễ nuốt.
Một lượng rất nhỏ amylase trong nước bọt, hoạt động tối thuận pH=7, có tác dụng thủy phân tinh bột chín thành maltose và maltotriose
Chất nhầy có tác dụng bao bọc viên thức ăn, bôi trơn, giúp quá trình vận chuyển viên thức ăn dễ dàng từ miệng xuống thực quản.
Enzym lyzozym có tác dụng khử trùng giúp miệng không bị hôi.
Ngoài ra, nước bọt còn trung hòa một số chất toan, kiềm, một số chất có tác dụng kích thích mạnh như chua, cay, đắng,…
Điều hòa bài tiết
Nước bọt được bài tiết liên tục trong ngày nhưng tăng mạnh trong bữa ăn, nhờ, số lượng và thành phần nước bọt phụ thuộc vào loại thức ăn.
– Phản xạ không điều kiện: Khi thức ăn tác động vào niêm mạc lưỡi, miệng, răng…sẽ có tác dụng làm tăng bài tiết nước bọt.
– Phản xạ có điều kiện: Khi nhìn thấy, ngửi thấy, nghĩ đến thức ăn mà trước kia đã từng ăn thì hoạt động bài tiết nước bọt tăng.

Ngoài ra, nước bọt bài tiết theo cơ chế thể dịch. Khi hoạt động, các tuyến nước bọt bài tiết ra Kallikrein, chất này vào máu làm biến đổi Kalinogen – một chất có sẵn trong máu ở dạng không hoạt động- thành Bradykinin hoạt động có tác dụng giãn mạch, và làm tăng bài tiết nước bọt.
Tiêu hóa ở miệng và thực quản qua hoạt động hấp thu
Hoạt động tiêu hóa ở miệng và thực quản diễn ra rất kém, chỉ hấp thu được một số ít chất đơn giản. Như đường đơn, và một số thuốc (thuốc điều trị cơn đau thắt ngực trinitro Glicerid).
Kết quả quá trình tiêu hóa ở miệng và thực quản:
– Nhờ hoạt động cơ học ở miệng, thức ăn được vận chuyển, nghiền nát và quện với nước bọt, tạo thành viên nuốt, và được đưa từ miệng đến sát tâm vị.
– Nhờ hoạt động bài tiết ở miệng, một lượng rất nhỏ Amylase của nước bọt đó phân giải tinh bột chín thành Maltose, maltotriose.
– Hoạt động hấp thu ở miệng diễn ra rất kém, ở đây chỉ hấp thụ được một số đường đơn và một số thuốc bị dịch vị và dịch tụy phân giải.