TIỀN SẢN GIẬT – TRIỆU CHỨNG, ĐIỀU TRỊ TIỀN SẢN GIẬT
>>TIỀN SẢN GIẬT – TRIỆU CHỨNG VÀ ĐIỀU TRỊ TIỀN SẢN GIẬT
Tiền sản giật đại cương
Tiền sản giật là bệnh lý do thai nghén hoặc ảnh hưởng của một thai nghén rất gần gây nên, với sự xuất hiện của cao huyết áp và protein niệu, có hoặc không kèm theo phù.
Tiền sản giật – sản giật hay xảy ra sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ và chấm dứt sau 6 tuần sau đẻ. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của bệnh lá nuôi, bệnh có thể xuất hiện trước thời điểm đó.
Trước đây, người ta thường gọi tiền sản giật là nhiễm độc thai nghén hay hội chứng protein niệu. Nhưng ngày nay người ta nhận thấy, huyết áp cao là triệu chứng thường gặp nhất và gây nên những biến chứng trầm trọng cho mẹ và thai.
Tiền sản giật xảy ra 5 – 10% trong tổng số thai nghén.
Bệnh nguyên và các yếu tố ảnh hưởng của tiền sản giật
* Bệnh nguyên tiền sản giật
Cho đến nay, người ta vẫn chưa hiểu rõ hết về căn nguyên sinh bệnh của tiền sản giật. Một số yếu tố có thể góp phần trong sự xuất hiện của bệnh là:
– Hiện tượng miễn dịch.
– Di truyền
– Các yếu tố dinh dưỡng
– Phản ứng, stress
– Phản xạ do căng tử cung trong đa thai, thai to.
– Thiếu máu cục bộ tử cung – nhau thai
– Mất cân bằng giữa prostacylin với thromboxan:
+ Tăng sản xuất thromboxan A2 (chất gây co mạch và dễ hình thành cục máu đông).
+ Giảm sản xuất prostacylin (chất gây giãn mạch).
Điều này làm giảm tỷ lệ prostacylin/thromboxan gây co mạch dẫn đến tăng huyết áp.
* Các yếu tố nguy cơ gây tiền sản giật
– Con so
– Thai phụ lớn tuổi (>35 tuổi).
– Đa thai, đa ối.
– Chửa trứng: biểu hiện tiền sản giật thường xảy ra sớm.
– Thai nghén kèm đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, tăng huyết áp mạn tính.
– Tiền sử có tiền sản giật, sản giật.
Triệu chứng của tiền sản giật
Triệu chứng tăng huyết áp
Tăng huyết áp là triệu chứng cơ bản để chẩn đoán xác định tiền sản giật. Tăng huyết áp được xác định từ khi tuổi thai từ 20 tuần trở lên với các giá trị như sau:
– Huyết áp tối đa >= 140mmHg.
– Huyết áp tối thiểu >= 90mmHg.
Những trường hợp có huyết áp tối đa tăng hơn 30mmHg hoặc huyết áp tối thiểu tăng hơn 15mmHg so với trước khi có thai cần được quan tâm đặc biệt vì có thể có nguy cơ xuất hiện tiền sản giật – sản giật.
– Lưu ý: phải đo huyết áp 2 lần cách nhau 4 giờ, sau khi nghỉ.

Triệu chứng phù trong tiền sản giật.
Đặc điểm của phù:
– Phù toàn thân, không giảm khi nghỉ ngơi.
– Phù trắng, mềm, ấn lõm.
– Tăng cân nhanh, quá 0,5 kg/tuần.
Có thể phù nhiều, phù toàn thân, các chi to lên, ngón tay tròn trĩnh, mặt nặng, mí mắt híp lại, âm hộ sưng to.
Bụng căng lên, nổi hằn dây thắt lưng hoặc sau khi nghe tim thai còn hằn dấu vết của ống nghe.
Có khi phù cả phủ tạng, phù phúc mạc nên có nước trong ổ bụng, màng phổi, não. Võng mạc có thể bị phù nên bệnh nhân có thể nhức đầu, mờ mắt.
Trong một số trường hợp, phù có thể nhẹ, kín đáo, chỉ khi ấn lên mắt cá chân mới phát hiện được hoặc buổi sáng hơi nặng mặt.
Triệu chứng protein niệu trong tiền sản giật
Protein niệu thường là biểu hiện sau cùng của bộ ba triệu chứng.
Mức độ protein niệu có thể thay đổi nhiều trong 24 giờ. Do đó, để xét nghiệm protein niệu chính xác, cần lấy mẫu trong 24 giờ.
Protein niệu dương tính khi lượng protein lớn hơn 0,3g/l/24h hoặc trên 0,5g/l mẫu nước tiểu ngẫu nhiên.
Các xét nghiệm cần làm trong tiền sản giật
– Công thức máu: Hematocrit, hemoglobin, tiểu cầu.
– Chức năng thận: cretinin, ure, acid uric, protein niệu.
Ngoài ra, tùy vào mức độ tổn thương thận, trong nước tiểu có thể có hồng cầu, bạch cầu, trụ niệu.
– Chức năng gan: GOT, GPT
– Điện giải đồ và dự trữ kiềm.
– Chức năng đông chảy máu toàn bộ.
– CRP, protein máu.
– Soi đáy mắt.
– Đánh giá tình trạng thai qua Monitor và siêu âm.
Chẩn đoán tiền sản giật
Chẩn đoán tiền sản giật dựa vào 3 triệu chứng chính là cao huyết áp, phù và protein niệu.
* Tiền sản giật nhẹ
– Huyết áp tâm thu 140 – <160mmHg.
– Huyết áp tâm trương 90 – <110mmHg.
– Protein niệu từ (+) đến (++).
* Tiền sản giật nặng: khi có ít nhất một trong các dấu hiệu sau:
– Huyết áp tối đa >=160mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu >=110mmHg.
– Protein niệu > 3g/l.
– Rối loạn thị giác và tri giác.
– Đau đầu nhưng không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường.
– Đau vùng thượng vị hoặc phần tư trên của hạ sườn phải.
– Phù phổi hoặc xanh tím.
– Thiểu niệu: nước tiểu < 400ml/24 giờ
– Giảm tiểu cầu: số lượng tiểu cầu < 150.000/mm3.
– Tăng men gan.
– Thai chậm phát triển.
Chẩn đoán phân biệt tiền sản giật
– Phân biệt với cao huyết áp mạn tính: tiền sử đã có cao huyết áp hoặc cao huyết áp xuất hiện trước tuần thứ 20 của thai kỳ.
– Phân biệt với các bệnh lý của thận: viêm thận cấp, viêm thận mạn, viêm mủ thận, hội chứng thận hư,…
– Phân biệt tiền sản giật với phù do tim, phù do suy dinh dưỡng.
Biến chứng của tiền sản giật
* Biến chứng tiền sản giật ở mẹ.
– Hệ thần kinh trung ương: phù não, xuất huyết não – màng não.
– Mắt: phù võng mạc, mù mắt.
– Thận: suy thận cấp.
– Gan: chảy máu dưới bao gan, vỡ gan.
– Tim phổi: suy tim cấp, phù phổi cấp (gặp trong tiền sản giật nặng và sản giật).
– Huyết học: rối loạn đông chảy máu, giảm tiểu cầu, đông máu rải rác trong lòng mạch.
* Biến chứng tiền sản giật ở thai nhi.
– Thai chậm phát triển trong tử cung.
– Đẻ non do tiền sản giật nặng hoặc sản giật phải cho đẻ sớm.
– Tử vong chu sinh: Tỷ lệ tử vong chu sinh tăng cao nếu đẻ non hoặc biến chứng rau bong non.
– Tiền sản giật nặng hoặc sản giật có thể tiến triển thành hội chứng HELLP (tan huyết – tăng men gan – giảm tiểu cầu). Hội chứng này có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và con.
Xử trí tiền sản giật
* Dự phòng tiền sản giật:
Vì nguyên nhân chưa rõ nên dự phòng bệnh không có biện pháp đặc hiệu. Cần làm tốt các việc sau:
– Đăng ký quản lý thai nghén là khâu cơ bản nhất trong dự phòng tiền sản giật – sản giật.
– Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung calci.
– Thai phụ cần được giữ ấm.
– Phát hiện sớm, điều trị kịp thời các thai phụ có nguy cơ cao.
– Chăm sóc liên tục trong thời kỳ hậu sản.
* Điều trị tiền sản giật
Nguyên tắc điều trị tiền sản giật: Bảo vệ mẹ là chính, có chiếu cố đến con.
Tiền sản giật nhẹ:
Có thể điều trị và theo dõi ở tuyến y tế cơ sở.
+ Nghỉ ngơi và nằm nghiêng trái.
+ Có thể uống thuốc an thần senduxen (Diazepam) 5mg.
+ Theo dõi hàng tuần, nếu nặng lên phải nhập viện và điều trị tích cực.
+ Nếu thai đã đủ tháng nên chấm dứt thai kỳ ở tuyến chuyên khoa.
Tiền sản giật nặng:
Phải nhập viện và theo dõi tại tuyến tỉnh và được điều trị tích cực.
+ Theo dõi huyết áp 4 lần/ngày.
+ Theo dõi cân nặng, protein niệu hàng ngày
+ Xét nghiệm đếm tiểu cầu, HCT, đánh giá chức năng gan thận, rối loạn đông chảy máu, hội chứng HELLP, siêu âm và theo dõi tim thai liên tục.
Chế độ điều trị tiền sản giật nặng cụ thể như sau:

– Điều trị nội khoa:
+ Nghỉ ngơi và nằm nghiêng trái.
+ Thuốc an thần Diazepam tiêm hoặc uống.
+ Thuốc hạ áp: Sử dụng thuốc hạ áp khi có huyết áp cao.
Hydralazin hoặc Dihydralazin là thuốc được lựa chọn hàng đầu. Thuốc có tác dụng giãn các tiểu động mạch, tăng lưu lượng máu đến tim và thận. Ngoài ra, thuốc còn làm tăng lượng máu đến nhau thai.
Thuốc hạ áp có thể dùng thay thế trong điều trị tiền sản giật nặng là Labetalol, Nifedipin. Thuốc lợi tiểu chỉ sử dụng khi có đe dọa phù phổi cấp và thiểu niệu.
+ Sử dụng Magnesium sulfat.
Liều tấn công: Dung dịch Magnesium sulfat 4g, pha loãng trong 20ml dung dịch glucoza 5% tiêm tĩnh mạch chậm trên 5 phút.
Ngay sau đó dùng 10g Magnesium sulfat 50% (10ml) tiêm bắp sâu mỗi bên 5ml hòa với 1ml Lindocain 2%.
Liều duy trì:
Truyền tĩnh mạch Magnesium sulfat 15% liều lượng 1g trong 1 giờ hoặc tiêm bắp 4g mỗi 5 giờ.
Trong khi dùng cần đảm bảo:
+ Có phản xạ xương bánh chè.
+ Tần số thở ít nhất là 16 lần/phút.
+ Lượng nước tiểu tối thiểu trên 30ml/giờ hoặc 100ml/4 giờ.
+ Có sẵn thuốc đối kháng là Gluconat calci hoặc Clorua calci. Khi có ngộ độc, bệnh nhân có thể ngừng thở phải thông khí hỗ trợ bằng mặt nạ hoặc đặt nội khí quản cho đến khi hô hấp trở lại, phải cho ngay Calcium Gluconate 1g (10ml dung dịch 10%) hoặc Calci clorua tiêm tĩnh mạch chậm để trung hòa tác dụng của Magnesium sulfat
+ Không dùng quá 24g/24 giờ.
+ Theo dõi nồng độ Magnesium sulfat mỗi 4 – 6 giờ/lần để điều chỉnh liều dùng.
– Điều trị sản khoa và ngoại khoa trong tiền sản giật.
+ Nếu tiền sản giật nặng không đáp ứng với điều trị hoặc xảy ra sản giật thì chấm dứt thai kỳ với mọi tuổi thai. Trước khi chấm dứt thai kỳ cần ổn định bệnh nhân trong vòng 24 – 48 giờ giống như trong sản giật.
+ Nên sinh thủ thuật nếu đủ điều kiện hoặc mổ lấy thai khi có chỉ định sản khoa hoặc nhanh chóng chấm dứt thai kỳ.