SAI KHỚP- TRIỆU CHỨNG, ĐIỀU TRỊ SAI KHỚP
Sai khớp là sự di chuyển bất thường giữa các đầu xương ở mỗi khớp, nó làm thay đổi một phần hay hoàn toàn mối liên quan giữa 2 mặt khớp đối diện nhau và thường kèm theo rách bao khớp. Nói tới di chuyển giữa 2 mặt khớp là nói đến sự di chuyển của đầu ngoại vi:
– Khi có thay đổi một phần mối liên quan giữa 2 mặt khớp thì gọi là sai khớp một phần hay sai khớp không hoàn toàn.
– Khi có thay đổi hoàn toàn mối liên quan giữa 2 mặt khớp thì gọi là sai khớp hoàn toàn.
Khớp là cơ quan đảm bảo chức năng vận động của cơ thể. Khi bị sai khớp thì khớp bị sai mất chức năng vận động.
– Chẩn đoán sai khớp không khó, điều trị sớm thường dễ thành công và kết quả sau điều trị tốt. Điều trị muộn thì thường rất khó khăn và cơ năng thường kém. Ở nước ta còn gặp nhiều sai khớp cũ do còn nhiều cách chẩn đoán và điều trị sai lầm trong nhân dân (bó thuốc và bất động không đúng cách, khớp chưa được nắn hoặc bị sai khớp mà không biết).
1. Tổn thương giải phẫu bệnh lý
Một đơn vị khớp gồm 5 thành phần:
– Bao khớp: Thường bị rách có thể nhiều hoặc ít, bao khớp thường bị rách ở chỗ khớp có điểm yếu và làm cho đầu xương chui qua vì vậy khi nắn xong phải bất động để bao khớp mau lành.
– Dây chằng: Có thể bị đứt hoặc kéo dãn vì vậy sai khớp rất đau do dây chằng bị đứt.
– Mạch máu: Ít bị tổn thương nhưng những mạch máu nhỏ có thể bị đứt vì vậy thường có máu ở trong khớp. Một số trường hợp sai khớp háng còn gây nên biến chứng hoại tử chỏm xương đùi vì thiếu máu nuôi dưỡng.
– Thần kinh: Có thể bị chèn ép trong trường hợp sai khớp di lệch nhiều.
– Các cơ gân thường không đứt và chính nó gây nên các triệu chứng biến dạng và dấu hiệu lò xo.
– Sụn khớp và xương: Sụn khớp ít khi bị tổn thương xong xương có thể bị bong ở nơi có các dây chằng hoặc cơ bám vào xương. Mặt sụn khớp nếu được nắn lại sớm thường không bị tổn thương, nếu để sai khớp lâu ngày có thể gây nên hỏng sụn và thoái hóa khớp về sau này.
2. Triệu chứng của sai khớp:
Triệu chứng toàn thân: Có thể xuất hiện các triệu chứng của sốc khi sai khớp lớn do lực chấn thương mạnh hoặc sai khớp có kèm theo các tổn thương khác kết hợp. Ví dụ như sai khớp háng.
Triệu chứng cơ năng:
– Đau: Là triệu chứng thường không thể thiếu được. Đau nhiều ở vùng khớp đặc biệt khi cử động khớp thụ động đau sẽ tăng lên nhiều, bất động khớp đau vẫn không giảm.
– Mất cử động khớp: Sau khi bị sai khớp bệnh nhân sẽ mất cử động khớp. Nếu ở chi trên sau khi bị sai khớp bệnh nhân không vận động được nữa. Còn ở chi dưới thì bệnh nhân không đứng lên được.
Triệu chứng thực thể:
Khi khám 1 bệnh nhân sai khớp cần bộc lộ rộng vùng khớp và so sánh giữa khớp bên bệnh với khớp bên lành.
Triệu chứng của sai khớp thể điển hình
Thể điển hình gặp trong sai khớp hoàn toàn, bệnh nhân đến sớm ta sẽ thấy những triệu chứng sau:
Biến dạng khớp: Thường mới trông qua đã thấy rõ. Quan sát kỹ bệnh nhân, hình dạng khớp thay đổi tuỳ theo vị trí khớp bị sai, mức độ khớp sai. Ví dụ như bình thường ở khớp trước đó gồ lên thì bây giờ lại lõm xuống: Khớp vai bình thường cơ delta được đầu xương cánh tay độn lên thành hình cong nhưng khi sai khớp vai đầu xương cánh tay di chuyển đi xa cơ delta rủ xuống mất hình cong.

Lệch trục chi: Vì đầu xương di chuyển đi ra khỏi khớp cho nên thế chi bị sai lệch, trục chính của chi không thấy chạy vào trong khớp mà ra ngoài khớp.
Ví dụ: Trong sai khớp khuỷu ra sau, trục của cánh tay không chạy vào khớp khuỷu mà chạy ra phía trước khớp.
Cử động lò xo:
Thầy thuốc cầm lấy chi bệnh nhân, muốn tiến hành một cử động thụ động nào đó như khi kéo xương về vị trí cũ của khớp làm bệnh nhân kêu đau, chi chống đỡ lại, cơ co lại. Đó là sức kháng cự đàn hồi (Resistance élastique). Ví dụ: trong sai khớp khuỷu ra sau nếu gấp thụ động cẳng tay vào cánh tay thì bệnh nhân kêu đau và cẳng tay chống lại khi gấp cẳng tay vào cánh tay. Dấu hiệu biến dạng và lò xo có thể bị mất nếu kèm theo gãy xương (gãy trật hoặc gãy xương đi kèm).
Bầm tím quanh khớp thường xuất hiện muộn do tổn thương các mạch máu trong khớp.
Sờ nắn: Khi sờ nắn sẽ thấy ổ khớp trống rỗng trong sai khớp hoàn toàn và thấy chỏm xương nằm ở ngoài khớp và cần sờ nắn cả 2 bên để so sánh. Đây là dấu hiệu rất tin cậy tuy nhiên những trường hợp đến muộn do sưng nề nhiều nên việc tìm các triệu chứng này đôi khi rất khó khăn.
Triệu chứng của sai khớp thể không điển hình
Thể không điển hình khi sai khớp không hoàn toàn hoặc bệnh nhân đến muộn, khớp sưng nề nhiều: Các dấu hiệu biến dạng, ổ khớp rỗng khó xác định hơn. Bệnh nhân đau nhiều ở khớp mặc dù đã được bất động, bầm tím quanh khớp và có cử động lò xo.
X.quang: Cần chụp Xquang khớp để thấy hình ảnh sai khớp, kiểu sai khớp và những tổn thương xương kèm theo.

3. Các biến chứng có thể gặp của sai khớp:
Shock: Thường gặp trong sai khớp háng hoặc có tổn thương phối hợp.
Tổn thương mạch máu, thần kinh: Các đầu xương bật ra có thể chèn ép vào mạch máu , thần kinh.
Các đầu xương có thể làm tổn thương da và phần mềm tạo thành sai khớp hở.
Sai khớp mới không được chẩn đoán kịp thời và nắn chỉnh sẽ trở thành sai khớp cũ.
Cốt hoá quanh khớp: Dây chằng, bao khớp các cơ quanh khớp bị vôi hoá làm hạn chế vận động.
Thoái hoá khớp do tổn thương mặt sụn khớp.
Cứng khớp, dính khớp.
Hoại tử chỏm có thể gặp trong sai khớp háng.
Viêm quanh khớp xương: Thường gặp ở khớp vai.
Sai khớp tái diễn: Hay gặp ở khớp vai, khớp bánh chè – đùi, khớp thái dương hàm.
4. Điều trị sai khớp:
Sơ cứu sai khớp:
– Giảm đau bằng các thuốc giảm đau toàn thân như Diclofenac 75mg, Dolacgan, Paracetamol…Với sai khớp háng có thể dùng Morphinclohydrat 0,01g.
– Bất động khớp ở tư thế sai khớp.
Tránh tình trạng thăm khám nhiều lần gây tổn thương thêm ở khớp và gây đau cho bệnh nhân.
– Khi bệnh nhân ổn định sẽ chuyển tới nơi điều trị thực thụ.
ĐIỀU TRỊ THỰC THỤ
Điều trị sai khớp tới sớm
Mục đích:
Nắn lại khớp sai và nắn càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Bất động khớp sai theo một thời gian nhất định.
Tập vận động khớp sai khi hết thời gian bất động.
Nguyên tắc:
– Nắn sai khớp: Phải coi là một cấp cứu, nắn càng sớm càng dễ nắn. Có rất nhiều phương pháp nắn sai khớp ví dụ như nắn sai khớp vai có phương pháp Hypocrate, Kocher, Djenalidze…

– Khi nắn chỉnh phải được vô cảm thật tốt: Vô cảm tốt sẽ làm cho bệnh nhân hết đau, các cơ giãn tốt tạo điều kiện cho nắn chỉnh được dễ dàng
– Khi cơ đã giãn mềm thì việc nắn nhẹ nhàng đi ngược chiều với đường sai khớp, tránh động tác giật cục và thô bạo sẽ gây nên sự co cứng cơ và tai biến gãy xương. Khi nghe thấy tiếng khục một cái là chỏm xương đã trở về ổ khớp bình thường và bệnh nhân thấy dễ chịu ngay.
– Bất động khớp: Sau khi nắn được khớp sai thì cần bất động khớp sai theo thời gian nhất định ở tư thế cơ năng nhằm mục đích cho bao khớp bị rách liền.
– Vận động sau bất động: Hết thời gian bất động cần hướng dẫn bệnh nhân tập vận động khớp sai nhẹ nhàng tăng dần nếu đau qua thì thôi. Có thể phối hợp với phục hồi chức năng để tập luyện.
Điều trị sai khớp tái diễn
Sai khớp tái diễn thường gặp do biến dạng giải phẫu của khớp bẩm sinh hoặc do trong quá trình điều trị lần trước chưa đúng nguyên tắc dây chằng, bao khớp bị rách tạo điều kiện cho sai khớp tái diễn.
Sai khớp tái diễn thường xuất hiện sau một tác nhân chấn thương nhẹ và cũng dễ nắn. Để giải quyết triệt để loại sai khớp này thì phẫu thuật là vấn đề được đặt ra.
Có thể làm theo phương pháp khâu gấp bao khớp và dây chằng hoặc chỉnh hình.
Điều trị sai khớp cũ
Sai khớp cũ là những trường hợp đến viện sau 2 – 3 tuần.
Lúc này phần mềm đã bị xơ hoá mất tính chất đàn hồi, các dây chằng bao khớp. bị teo, xơ cứng, dây chằng ngoài khớp bị dầy lên và cốt hoá, các cơ quanh khớp bị teo cứng.
Sụn mặt khớp bị thoái hoá, mất bóng, tổ chức xơ bám đầy xung quanh.
Sai khớp cũ kéo nắn chỉnh hình thường ít đạt hiệu quả thường phải điều trị bằng phẫu thuật.
Điều trị bằng kéo nắn chỉnh hình: Xuyên kim Kirstchner qua đầu xương và kéo liên tục kết hợp xoa bóp cơ cho mềm rồi nắn thử.
Điều trị bằng phẫu thuật:
Mổ đặt lại khớp. Nếu mặt sụn khớp thoái hoá, nham nhở thì bọc diện khớp bằng cân.
Tái tạo khớp bằng bộ phận giả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ môn Chấn thương Trường Đại học Y Thái Bình (2003). Bài giảng chấn thương chỉnh hình. Nxb Y học
- Bộ môn Ngoại Trường Đại học Y Hà Nội (2000). Triệu chứng học ngoại khoa. Nxb Y học
- Đặng Kim Châu (2003), Nguyễn Đức Phúc. Bách khoa thư bệnh học tập II. Nxb từ điển bách khoa Hà Nội. Trật khớp ( 428-431)
- Bộ môn Chấn thương chỉnh hình – phục hồi chức năng Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh ( 2020). Bài giảng Chấn thương chỉnh hình. NXB Y học
- Bass, A.B. MSPAS, P Kortyna (2017), Shouder Dislocation, Clinicia reviews
- www.mayoclinic.org › symptoms-causes › syc-20354113
- DeBerardino, T.M (2018), Joint Dislocation, BMJ Best Practice