Bó bộtChấn thương 

BÓ BỘT – NGUYÊN TẮC, TAI BIẾN, BIẾN CHỨNG BÓ BỘT

>> Bó bột – Nguyên tắc, tai biến, biến chứng và cách xử trí biến chứng trong bó bột.

Bó bột là một phương pháp điều trị phổ biến đối với tình trạng gãy xương nhằm mục đích hồi phục lại hình thái giải phẫu cho xương. Từ đó đảm bảo hồi phục hoàn toàn chức năng đối với vùng xương gặp chấn thương.

I. Nguyên tắc bó bột

  1. Tiến hành nắn chỉnh càng sớm càng tốt, nắn khi chưa có sưng nề lớn và các cơ co kéo ít thì có hy vọng đạt kết quả tốt. Gãy xương đã quá 2 tuần lễ, tại ổ gãy đã hình thành can non thì không nên nắn chỉnh. Khi đó có nắn thì cũng khó mà đạt được kết quả tốt.
  2. Thực hiện vô cảm thật tốt: Vô cảm tốt sẽ giúp bệnh nhân không thấy đau, không thấy co cứng cơ, không rên la, giãy giụa, tạo điều kiện nắn chỉnh thuận lợi.
    Thường gây tê ổ gãy bằng Lindocain 2%, gây tê trong xương, gây tê vùng, gây tê đám rối thần kinh. Đối với trẻ em có thể gây mê cho bệnh nhân để nắn chỉnh.
  3. Nắn ở tư thế trùng cơ (cơ năng): Các khớp gần ổ gãy thường ở tư thế trung bình:
    – Ở chi trên: Cánh tay dạng 45 độ, đưa ra phía trước 10 độ, khớp khuỷu gấp ở vị trí 90 độ, cẳng tay nửa sấp nửa ngửa, cổ tay duỗi 20 độ, bàn tay gấp 10 – 15 độ.
    – Ở chi dưới: Háng gấp 15 độ, gối gấp 10 độ, bàn chân gấp gan chân 10 độ.
  4. Nắn chỉnh đoạn ngoại vi theo di lệch của đoạn trung tâm.

>> Xem thêm: Cách bất động gãy xương

  1. Thứ tự nắn chỉnh: Kéo theo trục của xương, trục chi để sửa chữa di lệch chồng , gấp góc và sửa chữa một phần các di lệch khác. Sau đó chỉnh di lệch xoay, khi đã hết di lệch chồng thì nắn chỉnh sang bên và ngược lại.
  2. Kiểm tra kết quả bằng chụp X quang.
  3. Cố định ổ gãy sau khi nắn chỉnh đạt kết quả: Cố định trên ổ gãy 1 khớp và dưới ổ gãy 1 khớp, trừ gãy thấp hoặc di lệch ít như gãy đầu dưới xương quay, gãy trên lồi cầu ở trẻ em.
  4. Bó bột phải đảm bảo bất động tuyệt đối và cố định liên tục đến khi liền xương.
  5. Mỗi khi bột lỏng phải thay bột để tránh sự di lệch thứ phát của xương trong thời gian mang bột.
  6. Khi bó bột, đầu chi phải để hở, không được quấn chùm bột để tiện theo dõi sau bó bột.
  7. Các trường hợp gãy xương mới phải bó bột không độn hoặc có độn mỏng và rạch dọc ngay. Còn các trường hợp chỉnh hình, bệnh lý về xương khớp phải bó bột có độn và không rạch dọc.
  8. Sau bó bột phải theo dõi sát 24-72 tiếng, theo dõi tiếp 1-2 tuần. Sau đó theo dõi đến 3 tháng sau đảm bảo cho bệnh nhân được bó bột tốt nhất.

II. Chỉ định bó bột trong điều trị gãy xương

– Gãy xương không hoặc ít di lệch. Hoặc gãy xương đã được nắn chỉnh tốt.

– Hầu hết các gãy xương ở trẻ em, trừ gãy lồi cầu xương cánh tay.

III. Ưu điểm của phương pháp bó bột trong điều trị gãy xương

– Kỹ thuật đơn giản, thuận tiện, có thể thực hiện tại các cơ sở.

– Đỡ tốn kém.

IV. Nhược điểm của phương pháp bó bột trong điều trị gãy xương:

– Chỉ áp dụng đối với những trường hợp gãy không di lệch hoặc di lệch mà đã được nắn chỉnh được.

– Có thể có biến chứng chèn ép bột. Vì thế trong những ngày đầu cần theo dõi sát biến chứng này để xử trí kịp thời.

– Xương gãy dễ bị di lệch thứ phát trong bó bột. Vì vậy xương gãy cần được kiểm tra bằng Xquang theo kế hoạch. Nếu bột lỏng thì thay bằng bột khác.

– Thường teo cơ, cứng khớp do chi bị bất động trong bột lâu dài.

Thời gian điều trị kéo dài, liền xương chậm, loãng xương, tăng canxi máu,… bệnh nhân thường có triệu chứng đau khi vận động sau khi tháo bột, cơ năng chi bị giảm.

– Dễ có biến chứng nhiễm khuẩn, tắc mạch do nằm lâu đối với các loại bó bột lớn, đặc biệt là người già.

– Có thể gặp biến chứng do tiếp xúc với bột như bỏng da, ngứa, viêm da,…

– Đối với xương gãy hở, do phải mở cửa sổ bột nên bột yếu và có nguy cơ nhiễm khuẩn vết thương.

V. Các hình thức bó bột

1. Máng bột/ Nẹp bột sâu: ôm 2/3 chu vi chi thể

– Ưu: Không gây chèn ép bột

– Nhược: Cố định không thật vững chắc

2. Bột tròn kín: là loại bột ôm kín chi thể

-Ưu: Cố định vững chắc

-Nhược: Gây chèn ép bột khi sưng nề, gây lỏng bột khi hết nề nên làm mất tác dụng cố định

3. Bột rạch dọc: là bột tròn nhưng có rạch dọc toàn bộ các lớp bột

– Chỉ định: gãy xương mới không có điều kiện theo dõi tại viện

-Ưu: tránh được hiện tượng chèn ép bột

-Nhược: không thật vững chắc

4. Bột mở cửa sổ

-Chỉ định: gãy xương+ vết thương phần mềm/ gãy xương hở

-Ưu: tiện chăm sóc vết thương

5. Bột Whitmann: bột ngực-chậu-bàn chân

-Chỉ định: gãy cổ xương đùi đầu trên.

VI. Các loại tai biến của bó bột

Tùy theo thời gian mà các loại tai biến của bó bột có thể được chia thành 3 loại chính:

1. Tai biến tức thì

– Đau dữ dội, choáng váng do shock… trong quá trình nắn và bó bột.

– Choáng hoặc sốc phản vệ do các loại thuốc mê, thuốc tê.

– Có dấu hiệu co thắt khí phế quản, hiện tượng trào ngược… khi bệnh nhân được gây mê, có thể gây ngừng thở – ngừng tim… dẫn đến tử vong.

2. Tai biến sớm

+ Các tổn thương về mạch máu, thần kinh…:

    – Đối với chi trên: một số tổn thương thường gặp là ở động mạch cánh tay, dây thần kinh giữa, thần kinh quay, thần kinh trụ..

    -Đối với chi dưới: thường xảy ra động mạch khoeo, động mạch chày sau, thần kinh mác chung… (khá hiếm).

+ Hở thứ phát do xương chọc ra bên ngoài.

+ Gãy thêm vùng xương khác, đặc biệt đối với các bệnh nhân là người cao tuổi hoặc người có các vấn đề về xương khớp.

+Rối loạn dinh dưỡng, phù nề, chèn ép khoang cấp gây hoại tử chi…

Chèn ép bột
Chèn ép bột

+ Liệt tủy và gãy cột sống.

3. Tai biến muộn của bó bột

+ Rối loạn dinh dưỡng bán cấp hoặc từ từ: gây sưng nề kéo dài và cứng khớp, có thể làm suy giảm cơ năng của chi, tuy nhiên không đến mức hoại tử chi.

+ Thiếu máu bán cấp, thiếu máu mãn tính gây ra xơ hóa các cơ. Đây cũng là hội chứng Sudeck, hội chứng Volkmann… rất khó khăn trong việc điều trị và không thể đảm bảo hiệu quả hoàn toàn, cực kỳ tốn kém.

+ Can lệch: thường có nguyên nhân từ kỹ thuật nắn của bác sĩ.

+ Khớp giả: bệnh nhân bất động không đúng cách, kỹ thuật nắn của bác sĩ kém, do tuổi tác hoặc do thực hiện sai chế độ ăn uống, chế độ luyện tập… xuyên suốt thời gian trong và sau khi bó bột gãy xương.

+ Viêm xương: là biến chứng từ gãy xương hở, loét, tụ máu – nhiễm trùng..

4. Cách xử trí các tai biến sau bó bột theo mức độ

 – Mức độ nhẹ: nới bột ra và gác cao phần chi bị bó bột.

– Mức độ vừa: xử trí theo cách ở mức độ nhẹ và có kèm thêm thuốc chống nề, phong bế gốc chi…

– Mức độ nặng (cùng với dấu hiệu chèn ép khoang, tổn thương mạch máu và hệ thần kinh…): phải mổ cấp cứu để xử trí theo từng loại tổn thương…

VII. Biến chứng của bó bột

1. Biến chứng sớm của bó bột

    Là biến chứng quan trọng nhất có thể dẫn đến hậu quả làm mất chi của người bệnh do hoại tử. 

   1.1 Chèn ép cấp (chèn ép garô): 

– Gây nên sự thiếu máu nuôi dưỡng phần chi bên dưới nơi đè ép có thể đưa đến hoại tử chi. 

– Đây là một trong những nguyên nhân gây hội chứng chèn ép khoang, hội chứng Volkmann. 

 Nguyên nhân: 

Do băng bột quá chặt. 

Chi đang bị sưng nề sau chấn thương cộng thêm băng bột chặt. 

Triệu chứng lâm sàng: 

Triệu chứng của chèn ép khoang: 

Đau nhức dữ dội như buốt bỏng. 

Đầu chi bị sưng tím. 

Cảm giác tê bì. 

Sờ da cảm thấy lạnh. 

Liệt vận động các ngón. 

Biến chứng chèn ép khoang trong bó bột
Biến chứng chèn ép khoang trong bó bột

Đây là sự chèn ép cấp, nếu quá 6 giờ thì có các hiện tượng hoại tử cơ và thần kinh không hồi phục. 

  Xử trí: 

Banh rộng hoặc tháo bỏ bột, thay bằng nẹp bột hoặc phương pháp khác. 

1.2. Chèn ép cục bộ trong bó bột (chèn ép tại chỗ, chèn ép từ từ): 

Thường xảy ra ở vùng tựa, vùng khuôn. 

Gây hoại tử da, đôi khi còn đè ép lên thần kinh, mạch máu. 

Nguyên nhân: 

Những điểm lồi của xương không được độn lót bông gòn đủ dày nhất là vùng gót, 2 mắt cá, vùng mấu trâm xương trụ. 

Băng bột không đều tay, có nếp gấp. 

Người giữ bột không đúng cách bấm các ngón tay vào khi bột còn ướt. 

Nắn, ép xương sau khi băng bột, … 

Triệu chứng: 

Đau buốt như bỏng ở nơi bị chèn ép. 

 Xử trí: 

Mở cửa sổ nơi bị chèn ép. 

Việc mở cửa sổ sai (4 bên) đôi khi cũng gây nên sự đè ép do phần mềm chui qua của sổ (giống như thoát vị) và bờ các cửa sổ đè ép da gây hoại tử da. 

2. Biến chứng muộn trong bó bột.

2.1 Biến chứng do vật lạ rơi vào bên trong: 

Nguyên nhân: 

Do bột rơi vào trong gây tì đè. 

Do côn trùng: kiến, gián, rận, rệp chui vào trong. 

Do bệnh nhân dùng các que gỗ thọt vào để gãi, hậu quả trầy da, viêm da, … 

Do nước tiểu làm ướt bột gây ngứa. 

Triệu chứng lâm sàng: 

Ngứa, khó chịu 

Xử trí: 

Bỏ bột, làm vệ sinh thay lại bột khác

2.2 Biến chứng do lỏng bột: 

Nguyên nhân: 

Do độn bông gòn quá dày hoặc do chi hết sưng sau một thời gian điều trị (thường là 7 ngày sau). 

Hậu quả có thể làm di lệch xương bên trong gây di lệch thứ phát dẫn đến can xương lành xấu. 

Xử trí: 

Tái khám sớm lần đầu sau 7 ngày hoặc 10 ngày, Xquang kiểm tra lại nếu xương lệch thì bỏ bột, nắn lại làm bột mới khác. 

VIII. Dự phòng các biến chứng của bó bột

Các biến chứng của bột thường là do sai sót của người bó bột và thầy thuốc điều trị. Nên các biến chứng này đều có thể tránh được, nếu bột được thực hiện đúng kỹ thuật và theo dõi cẩn thận trong vòng 24 giờ đầu và được sự hợp tác tốt giữa người bệnh và thầy thuốc 

Related posts

2 Thoughts to “BÓ BỘT – NGUYÊN TẮC, TAI BIẾN, BIẾN CHỨNG BÓ BỘT”

  1. […] Bó bột là phương pháp điều trị gãy xương kinh điển được áp dụng từ lâu trên thế giới cũng như ở Việt Nam. […]

Leave a Comment