Bệnh mạn tính Bệnh Thường Gặp Chuyên ngành Y Học Cơ Sở 

LOÉT DẠ DÀY, TÁ TRÀNG, NGUYÊN NHÂN VÀ TRIỆU CHỨNG

Loét dạ dày, tá tràng thường đi kèm với các triệu chứng như đau vùng thượng vị, đau âm ỉ, có lúc đau thành từng cơn. Đầy bụng, chậm tiêu, kém ăn, buồn nôn hoặc nôn, ợ hơi, ợ chua. Táo – lỏng thất thường..

I. Đại cương về bệnh loét dạ dày, tá tràng.

– Loét dạ dày, tá tràng là một bệnh mãn tính, diễn biến có tính chất chu kỳ. Bệnh tiến triển do sự rối loạn thần kinh thể dịch và nội tiết của quá trình bài tiết, vận động và chức năng bảo vệ của niêm mạc dạ dày – tá tràng.

– Loét dạ dày, tá tràng là căn bệnh phổ biến, là vấn đề y tế lớn ở nước ta và các nước đang phát triển. Loét tá tràng thường gặp hơn loét dạ dày. Và tỷ lệ mắc bệnh này ở nam nhiều hơn ở nữ.

II. Nguyên nhân gây bệnh loét dạ dày, tá tràng.

Đến nay, chưa xác định được nguyên nhân chung cho tất cả các thể loét. Nhưng có một số nguyên nhân thường gặp như:

* Nhóm thần kinh nội tiết:

– Người bệnh bị sang chấn tinh thần cấp và mạn.

– Rối loạn nội tiết: Bệnh Cushing, Basedow, rối loạn tiền mãn kinh,…

* Loét dạ dày, tá tràng do rối loạn nhịp điệu ăn uống và tính chất của thức ăn: Rượu, thuốc lá, chua, cay, ăn thiếu chất dinh dưỡng, vitamin,…

* Các nguyên nhân gây viêm mãn tính ở niêm mạc dạ dày, tá tràng:

– Sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm steroid và không steroid.

– Do hóa chất, do dịch mật trào ngược từ tá tràng lên dạ dày.

– Do vi khuẩn Helicobacter pylory (HP): Đây được coi là nguyên nhân số 1 gây bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng.

loét dạ dày, tá tràng
Loét dạ dày, tá tràng do vi khuẩn HP

– Do tính chất di truyền, gia đình: Có liên quan đến nhóm máu O và HLA.

* Những nguyên nhân thúc đẩy loét dạ dày, tá tràng tiến triển:

– Môi trường: thay đổi nhiệt độ, áp suất khí quyển.

– Lạm dụng các thức ăn, đồ uống quá nhiều kéo dài trong nhiều năm.

– Dùng thuốc kéo dài (như thuốc giảm đau,…).

– Sự tiến triển của một số bệnh mạn tính có liên quan đến loét như: xơ gan, viêm gan, hội chứng Zolliger – Ellison.

III. Cơ chế bệnh sinh của bệnh loét dạ dày, tá tràng.

Hiện nay, chưa tìm thấy cơ chế bệnh sinh duy nhất. Có thể cho rằng, loét dạ dày, tá tràng bao giờ cũng đi kèm với tăng tiết HCl và pepsin: “ Không có acid thì không có loét”.

– Loét dạ dày, tá tràng là do sự mất cân bằng giữa hai yếu tố bảo vệ và tấn công.

+ Yếu tố bảo vệ: Chất nhầy muxin, lớp đệm Bicarbonat, lớp biểu mô.

+ Yếu tố tấn công: HCl, pepsin, vi khuẩn HP, thuốc giảm đau chống viêm steroid và không steroid, muối mật,…

Khi có sự mất cân bằng giữa hai yếu tố trên sẽ gây ra loét dạ dày, tá tràng.

IV. Triệu chứng của bệnh loét dạ dày, tá tràng

  1. Triệu chứng lâm sàng bệnh loét dạ dày, tá tràng

* Triệu chứng đau: Đây là triệu chứng thường gặp nhất trong loét dạ dày, tá tràng

– Vị trí đau: Thường ở thượng vị. Loét dạ dày đau lệch về bên trái đường trắng giữa, lan lên ngực, sau mũi ức. Loét tá tràng đau lệch bên phải, lan ra sau lưng.

– Mức độ đau: Thường đau âm ỉ, nhưng cũng có khi cơn đau trội lên.

– Đau thường có tính chất chu kỳ: Có thể đau vào một mùa nhất định trong năm. Thường gặp là đau vào mùa rét.

– Đau có nhịp điệu ngày, thường liên quan đến bữa ăn. Loét dạ dày thường đau sau khi ăn khoảng 1 – 2 giờ (đau khi no). Loét tá tràng thường đau sau ăn 4 – 6 giờ (đau khi đói).

– Có trường hợp loét dạ dày, tá tràng nhưng không đau gọi là “loét câm”. Chỉ phát hiện do thủng hoặc chảy máu ổ loét.

triệu chứng loét dạ dày, tá tràng
Các triệu chứng của bệnh loét dạ dày, tá tràng
* Triệu chứng rối loạn tiêu hóa trong loét dạ dày, tá tràng.

– Đầy bụng, chậm tiêu, kém ăn, buồn nôn hoặc nôn, ợ hơi, ợ chua…

– Táo – lỏng thất thường. Loét tá tràng thì thường hay táo bón.

* Triệu chứng suy nhược thần kinh:

Hay cáu gắt, nhức đầu, giảm trí nhớ, mất ngủ,…

* Triệu chứng khi khám bụng trong cơn đau:

– Điểm thượng vị đau gặp trong loét dạ dày.

– Điểm môn vị đau gặp trong loét tá tràng.

– Những bệnh nhân có biến chứng hẹp môn vị có thể thấy thể trạng suy mòn, nôn ra thức ăn cũ, lắc thấy óc ách dạ dày,..

* Triệu chứng loét dạ dày, tá tràng khi khám bệnh ngoài cơn đau: Thường không thấy gì đặc biệt.

  1. Triệu chứng cận lâm sàng bệnh loét dạ dày, tá tràng.

* Chụp X – Quang: Cho bệnh nhân loét dạ dày, tá tràng uống Baryt, chụp 1 phim ở tư thế đứng, 4 phim ở tư thế nằm.

– Hình ảnh trực tiếp của ổ loét là ổ đọng thuốc. Ổ đọng thuốc của ổ loét phải tồn tại trên các phim với hình dạng tương tự nhau nhất là khi chụp ép thì mới có giá trị.

– Hình ảnh gián tiếp của ổ loét: nếp nhăn niêm mạc quy tụ vào 1 điểm, hành tá tràng biến dạng.

– Nhược điểm: Không thấy các ổ loét nhỏ, ổ loét ở cao (tâm vị), hoặc nhiều hình ảnh giả, dễ nhầm lẫn.

* Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng bằng ống soi mềm: Có thể xác định được chính xác số lượng, vị trí, kích thước, hình dạng và tiến triển của ổ loét.

* Chụp cắt lớp vi tính: Thường ít dùng do giá thành đắt. Thường được chỉ định khi nghi ngờ có biến chứng: Loét rò vào ổ bụng, nghi ung thư…

* Hút dịch vị lúc đói: Đánh giá tình trạng bài tiết HCl, định lượng acid HCl tự do – toàn phần.

* Nghiệm pháp kích thích bài tiết dịch vị: Để đánh giá tình trạng đa toan, thiểu toan hay bình thường. Cần làm khi nghi ngờ có tiết acid nhiều do hội chứng Zollinger – Ellison.

V. Chuẩn đoán loét dạ dày, tá tràng

  1. Chuẩn đoán xác định

– Dựa vào triệu chứng lâm sàng như trên.

– Dựa vào cận lâm sàng: X- Quang, nội soi.

  1. Chuẩn đoán phân biệt

Phân biệt bệnh nhân bị bệnh loét dạ dày, tá tràng với bệnh nhân:

– Viêm tụy mạn: Thường gặp ở người uống nhiều rượu, sỏi tụy… Rối loạn tiêu hóa kéo dài, đau bụng âm ỉ vùng thượng vị, chán ăn, chướng bụng, xét nghiệm thấy men tụy tăng cao. Siêu âm tụy thấy âm không đều, kích thước tụy nhỏ hơn bình thường.

– Viêm tiểu tràng và đại tràng do ký sinh trùng: Dựa vào xét nghiệm phân.

– Sỏi thận

– Viêm túi mật

– Ung thư dạ dày

VI. Biến chứng của bệnh loét dạ dày, tá tràng

Biến chứng loét dạ dày, tá tràng

– Chảy máu dạ dày, tá tràng: Đây là biến chứng hay gặp nhất. Ổ loét ăn sâu vào mạch máu gây xuất huyết.

– Thủng hoặc dò ổ loét: Gây viêm phúc mạc cục bộ hay toàn bộ.

– Hẹp môn vị

– Ung thư hóa (thường gặp ở bờ cong nhỏ dạ dày).

Related posts

2 Thoughts to “LOÉT DẠ DÀY, TÁ TRÀNG, NGUYÊN NHÂN VÀ TRIỆU CHỨNG”

  1. […] trị loét dạ dày, tá tràng cần tuân thủ nguyên tắc: Điều trị nội khoa đầy đủ, đúng cách trước. […]

Leave a Comment