VIÊM MÀNG NÃO MỦ, TRIỆU CHỨNG VÀ ĐIỀU TRỊ
Viêm màng não mủ là một căn bệnh nguy hiểm. Mặc dù có nhiều kháng sinh đặc hiệu và những tiến bộ đáng kể trong hồi sức, viêm màng não mủ vẫn là bệnh nhiễm khuẩn nặng, đe dọa tính mạng hoặc để lại di chứng nặng nề cho trẻ em, đặc biệt trẻ dưới 1 tuổi.
Phải xem bệnh viêm màng não mủ là một cấp cứu. Phải điều trị ngay nếu nghi ngờ (sau khi đã chọc dò tuỷ sống). Phải phối hợp nhiều biện pháp chống nhiễm khuẩn, điều trị hỗ trợ và chăm sóc tốt.
1. Nguyên nhân gây bệnh viêm màng não mủ:
Các nguyên nhân gây bệnh viêm màng não mủ có thể kể đến là:.màng não cầu, phế cầu, liên cầu, tụ cầu, salmonella, trực khuẩn coli, tất cả các trực khuẩn khác…
* Bệnh viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh :
– Chủ yếu do các trực khuẩn gram âm, đứng đầu là E.coli, rồi đến Klebssiella, Proteus, Pseudomonas.
– Loại vi khuẩn gram dương, chủ yếu là liên cầu khuẩn nhóm B và Listeria monocytogène, thường gây bệnh cho trẻ sơ sinh trong tuần đầu.
*Bệnh viêm màng não mủ ở trẻ bú mẹ :
3 loại vi khuẩn chủ yếu là Haemophilus influenza, não mô cầu và phế cầu. Ngoài ra còn gặp tụ cầu vàng và liên cầu.
* Đường xâm nhập gây viêm màng não mủ:
Vi khuẩn xâm nhập vào màng não chủ yếu theo đường máu, bạch mạch, hoặc do tiếp cận như viêm tai xương chũm; não mô cầu có thể gây thành dịch.
2. Chẩn đoán bệnh viêm màng não mủ:
Chẩn đoán sớm bệnh viêm màng não mủ có ý nghĩa quyết định đến tiên lượng bệnh. Việc chẩn đoán viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh thường rất muộn. Do thiếu các dấu hiệu đặc hiệu. Vì vậy khi có nghi ngờ mắc bệnh viêm màng não mủ, phải chọc tuỷ sống để lấy dịch não tuỷ xét nghiệm.
* Các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng của bệnh viêm màng não mủ :
* Hội chứng nhiễm khuẩn :
– Sốt: cao 39-40 độ C; ở trẻ sơ sinh có thể không sốt mà hạ thân nhiệt.
– Dấu hiệu toàn thân: gồm các dấu hiệu nhiễm khuẩn nhiễm độc, da xanh tái. Ở trẻ sơ sinh thường tím tái, có khi vàng da. Trẻ thường lơ mơ hoặc kích thích, co giật, rối loạn nhịp thở, có cơn ngừng thở, rên rỉ.
* Hội chứng màng não và não :
– Ở trẻ lớn khá điển hình : nhức đầu dữ dội, nôn, táo bón, cứng gáy, Kernig (+).
– Ở trẻ bú mẹ : nôn, vật vã, ỉa chảy, thóp phồng, tăng cảm giác da; các dấu hiệu cổ cứng. Kernig thường xuyên xuất hiện muộn. Ngoài ra thường có liệt dây thần kinh sọ : lác mắt, mắt nhìn thẳng. Các dấu hiệu não : lơ mơ đến hôn mê, co giật.
– Ở trẻ sơ sinh: Theo số liệu của nhiều tác giả do Volpe (1087) đưa ra, hội chứng màng não và não biểu hiện như sau : Biểu hiện thần kinh Tần xuất % Rối loạn hoạt động kích thích 75-100. Hôn mê 50- 75, Co giật 50- 75, Thóp phồng 25- 50. Dấu hiệu thần kinh khu trú 25- 50, Liệt dây thần kinh sọ 25- 50. Cổ cứng 0- 25.

*Xét nghiệm dịch não tuỷ của bệnh nhân mắc bệnh viêm màng não mủ.
-Trường hợp điển hình :
+ Dịch đục hoặc ám khói, áp lực tăng (200-750 mmH20).
+ Xét nghiệm : Protein tăng >100mg/100ml. Đường giảm nhiều, có khi còn vết. Muối natri clorua bình thường hoặc giảm nhẹ. Tế bào tăng nhiều > 1000 tế bào/microl, chủ yếu bạch cầu đa nhân trung tính. Nhuộm gram hoặc cấy có vi khuẩn.
-Trường hợp khó chẩn đoán :
Phần lớn là trường hợp bệnh viêm màng não mủ được điều trị dở dang. Trong trường hợp này, dịch não tuỷ có thể ám khói hoặc trong, áp lực không tăng. Về xét nghiệm, tuy protein tăng, nhưng đường có thể bình thường hoặc giảm nhẹ. Số lượng tế bào tăng nhưng tỷ lệ bạch cầu không cao. Nuôi cấy vi khuẩn thường âm tính. Ở đây rất khó phân biệt với viêm màng não do lao hoặc do virus. Ngoài việc dựa vào lâm sàng, người ta còn xét nghiệm thêm định lượng protein C phản ứng (CRP), acid lactic hoặc enzym lactat dehydrogenaza. Nếu có mắc bệnh viêm màng não mủ, cả 3 chất này tăng rất cao trong dịch não tuỷ.
-Trường hợp dịch não tuỷ có máu do chạm tĩnh mạch khi chọc tuỷ sống :
Ở đây phải phân biệt bệnh viêm màng não mủ với xuất huyết não thực sự. Dịch não tuỷ đỏ đều và để lâu máu không đông. Có thể tính tỉ lệ bạch cầu / hồng cầu trong dịch não tuỷ tỷ lệ là 1/700.
3. Xử lý và điều trị bệnh viêm màng não mủ.
Phải xem bệnh viêm màng não mủ là một cấp cứu. Phải điều trị ngay nếu nghi ngờ (sau khi đã chọc dò tuỷ sống). Phải phối hợp nhiều biện pháp chống nhiễm khuẩn, điều trị hỗ trợ và chăm sóc tốt.
*Chống nhiễm khuẩn.
Phải chọn kháng sinh đặc hiệu và dễ thấm vào màng não. Liều lượng phải cao, để đạt được hiệu quả diệt khuẩn tại chỗ, thường gấp 10 lần nồng độ ức chế tối thiểu. Phải phối hợp kháng sinh.
* ĐIều trị viêm màng não mủ khi chưa biết rõ vi khuẩn :
+ Trẻ sơ sinh đến 2 tháng : phối hợp :
– Gentamycin 6mg/kg/ngày, chia 2 lần, tiêm bắp, cách 12 giờ.
– Ampicillin 400mg/kg/ngày, chia 4 lần, tiêm tĩnh mạch. Hoặc có thể phối hợp thêm Cephalosporin thế hệ thứ 3 (Cephotaxim) nếu nghi ngờ vi khuẩn kháng Ampicilin.
+ Trẻ trên 2 tháng : phối hợp 3 loại kháng sinh :
Benzylpenicillin 600 000 đơn vị/kg/ngày, chia 4 lần, tiêm tĩnh mạch, kết hợp với Sulfadiazin 75mg/kg/ngày, uống, chia 3 lần và Chloramphenicon 50mg/kg/ngày, tiêm tĩnh mạch, chia 3 lần. Hoặc phối hợp Ampicilin và Cloramphenicol.

* Khi đã biết vi khuẩn gây bệnh :
+ Dựa vào kháng sinh đồ để điều chỉnh kháng sinh.
– Hemophilus influenzae : Có thể dùng một loại kháng sinh hoặc phối hợp Ampicilin và Cloramphenicol (100mg/kg/ngày, chia 3 lần, tiêm tĩnh mạch, cho trẻ trên 2 tháng).
– Não mô cầu và phế cầu : Có thể dùng 1 loại Penicillin G, tiêm tĩnh mạch hoặc Cloramphenicol.
– Tụ cầu vàng : Phối hợp Methicilin hoặc Cloxacilin 50mg/kg/1 lần, tiêm tĩnh mạch, cách nhau 6 giờ với Gentamycin hoặc Cephotaxim (Claforan) 50mg/kg/lần, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch cách nhau 6 giờ.
Pseudomonas : Phối hợp Gentamycin và Carbenicilin (400-600mg/kg/ngày, tiêm tĩnh mạch, cách nhau 4 giờ).
Klebsiella : Phối hợp Gentamycin và Cloramphenicol liều lượng như trên.
+ Thời gian điều trị kháng sinh:
Với các loại vi khuẩn gram dương : 2 tuần; với gram âm tối thiểu 3 tuần. Được xem là khỏi khi bệnh nhi hết các triệu chứng lâm sàng, dịch não tuỷ trở về bình thường, tức là : tế bào < 30/mm3. Đường bình thường; protein < 50mg%.
4. Điều trị hỗ trợ bệnh viêm màng não mủ.
Điều trị hỗ trợ góp phần quan trọng hạ thấp tỷ lệ tử vong. Và giảm các biến chứng của bệnh viêm màng não mủ.
* Chăm sóc ăn uống :
Phải duy trì tình trạng dinh dưỡng, cân bằng nước-điện giải, theo dõi chặt chẽ chức năng sống, nhất là khi trẻ bị sốt cao, co giật, hôn mê. Những biện pháp như cho ăn qua ống thông, thở oxy, hút đờm dãi, truyền dịch là rất cần thiết.
* Điều trị các rối loạn chức năng :
– Hạ sốt :
+ Chườm ấm và thuốc hạ nhiệt. Đặc biệt khi có rối loạn điều nhiệt, thân nhiệt tăng quá mức (hyperpyrexic) nên cho thêm Aminazin 2mg/kg.
– Chống co giật trong viêm màng não mủ. Diazepam (Valium, Seduxen) 0,2mg/kg/lần, tiêm tĩnh mạch chậm.
– Phải lập cân bằng nước : chú ý trong viêm màng não, sự bài tiết ADH có thể tăng, trẻ đái ít, nên dễ bị thừa nước.
– Chống phù não.
+ Thuốc : Manitol, dung dịch 20%, 1g/kg tiêm tĩnh mạch hoặc Lasix 1mg/kg tiêm tĩnh mạch.
+ Dexamethason (Decadron), 1mg/kg, tiêm tĩnh mạch hoặc 10mg/m2/ngày, chia 4 lần.
– Chống sốc hoặc tình trạng trạng truỵ mạch. Có thể xảy ra khi bị nhiễm khuẩn não mô cầu (hội chứng Waterhouse Friderichsen) hoặc trực khuẩn gram âm.
– Liệu pháp truyền dịch. (Chống viêm)
+ Prednisolut 5mg/kg, tiêm tĩnh mạch.
+ DCA (Desoxycorticosteron acetat) 2-5mg, tiêm bắp.
+ Heparin : khi có biểu hiện đông máu nội quản 100 đơn vị/kg/lần, tiêm tĩnh mạch, cách nhau 4-6 giờ.
* Phát hiện và điều trị các di chứng của bệnh viêm màng não mủ :
– Ứ nước dưới màng cứng.
– Ứ nước não thất. Phải giám sát vòng đầu và nếu có thể làm điện não đồ để phát hiện khả năng động kinh, chụp cắt lớp điện toán não để phát hiện ứ nước dưới màng cứng hoặc não thất.
– Nguồn: GS.TS.Lê Nam Trà –